Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay ông đã đạt được “một số thỏa thuận” với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ông Erdogan nói thêm rằng những thỏa thuận này có thể báo trước một “kỷ nguyên mới” trong cuộc xung đột ở Libya, theo kênh Al Jazeera.
Ông Erdogan và ông Trump đạt được một số thỏa thuận về Libya
Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận. Thời gian gần đây, GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo đã đẩy lùi cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy.
Tổng thống Erdogan và Tổng thống Trump (phải) tại cuộc hội đàm năm 2018. Ảnh: REUTERS
Trong khi Mỹ chính thức ủng hộ GNA thì ông Haftar nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh của Mỹ như Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Pháp, Saudi Arabia và cả Nga.
“Sau cuộc gọi của chúng tôi vào tối nay, có thể có một kỷ nguyên mới giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới tiến trình Libya. Chúng tôi đã đạt được một số thỏa thuận trong cuộc điện đàm”, ông Erdogan nói với đài truyền hình TRT hôm 8-6.
Ông Erdogan không nói cụ thể.
Trong khi đó, một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump và Tổng thống Erdogan đã thảo luận về cuộc chiến ở Libya và Syria cũng như khu vực Đông Địa Trung Hải. Tuyên bố không đi sâu vào chi tiết.
Ngoài ra, ông Erdogan cho hay ông sẽ thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vai trò của Nga tại Libya, trong đó có việc Nga cung cấp máy bay và hệ thống phòng không Pantsir cho lực lượng của ông Haftar.
“Có hệ thống Pantsir của họ ở đó, họ đã đưa 19 máy bay chiến đấu sang Libya. Sau khi thảo luận với ông ấy (Putin), chúng tôi có thể lên kế hoạch”, ông Erdogan nói.
Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho GNA đã giúp xoay chuyển cục diện cuộc chiến ở Libya. Với sự yểm trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng đóng ở Tripoli giành hàng loạt thắng lợi ở phía tây Libya và xung quanh Tripoli, giáng đòn nặng nề vào chiến dịch đánh chiếm thủ đô của ông Haftar vốn kéo dài hơn một năm nay.
Tuần trước, các lực lượng GNA cũng tái chiếm sân bay Tripoli, chiếm thế thượng phong trước lực lượng LNA đóng ở phía Đông.
Hôm 8-6, GNA mở chiến dịch chiếm TP chiến lược Sirte và phản đối lệnh ngừng bắn đơn phương do Ai Cập – đồng minh của ông Haftar đề xuất hồi cuối tuần qua.
Nhắm tới mỏ dầu
Ai Cập đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn bắt đầu vào ngày 8-6. Những nước ủng hộ ông Haftar như Nga và UAE đã hoan nghênh đề xuất này.
Tuy nhiên, ông Erdogan nói rằng GNA sẽ tiếp tục cuộc chiến chiếm TP duyên hải Sirte – quê hương cố lãnh đạo Muammar Gaddafi và căn cứ Jufra thuộc miền Trung Libya.
Lực lượng GNA kiểm soát căn cứ không quân Al-Watiya ở Tây Nam Tripoli. Ảnh: REUTERS
“Bây giờ mục tiêu là tiếp quản toàn bộ khu vực Sirte và kiểm soát nơi này. Đây là những khu vực có các giếng dầu cũng là những khu vực rất quan trọng”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Trong khi đó, hôm 9-6, Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho hay “một lực lượng vũ trang” đã xông vào mỏ dầu Sharara và yêu cầu nhân viên đóng cửa mỏ dầu, vài giờ sau khi hoạt động bảo trì bắt đầu.
Phóng viên Mamoud Abdelwahed của kênh Al Jazeera đưa tin từ Tripoli cho biết Sharara, cách phía nam Tripoli 900 km, là mỏ dầu lớn nhất của Libya với sản lượng 300.000 thùng dầu mỗi ngày.
“Đây là thiệt hại lớn cho đất nước và cho NOC. Một nhóm vũ trang đã xông vào mỏ dầu và rút vũ khí đe dọa nhân viên ở đó, buộc họ ngừng sản xuất chỉ ba ngày sau khi cơ sở khôi phục hoạt động. Nhóm này có liên hệ với ông Haftar”, ông Abdelwahed cho biết.
Lực lượng LNA lái xe đi qua kho chứ dầu Zueitina thuộc TP Benghazi của Libya. Ảnh: REUTERS
Chuẩn tướng Mohammed Khalifa – chỉ huy lực lượng bảo vệ các mỏ dầu ở phía Nam Libya là người dẫn đầu nhóm vũ trang đã yêu cầu dừng các hoạt động tại mỏ dầu Sharara.
NOC cho biết họ đã yêu cầu nhân viên không tuân theo bất cứ mệnh lệnh quân sự nào liên quan tới việc vận hành và bảo trì cơ sở. Tuy nhiên, hai kỹ sư tại mỏ dầu cho biết họ đã dừng các hoạt động và cơ sở đã đóng cửa trở lại, theo kênh Al Jazeera.
NOC cho hay họ sẽ thông báo với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Liên Hợp Quốc về tình hình và đề nghị hỗ trợ, theo hãng tin Sputnik.
Mỏ dầu Sharara thuộc quyền kiểm soát của LNA từ tháng 2-2019 và đã bắt đầu khôi phục hoạt động cách đây vài ngày.
Cơ sở đã đối mặt nhiều khó khăn về kỹ thuật trong việc tái khởi động hoạt động do đóng cửa trong thời gian dài. NOC lên kế hoạch trong ba tháng mỏ dầu Sharara sẽ sản xuất 30.000 thùng dầu mỗi ngày.
Dầu mỏ, huyết mạch của nền kinh tế Libya, từ lâu đã trở thành yếu tố chính trong cuộc nội chiến ở quốc gia Bắc Phi khi các lực lượng đối lập tranh nhau kiểm soát các mỏ dầu và doanh thu nhà nước.
Libya có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ chín thế giới và lớn nhất ở châu Phi.