Ông Trump có làm tổng thống tiếp nếu Mỹ không bầu cử?

Điều gì xảy ra nếu đại dịch COVID-19 trở nên nghiêm trọng đến mức Mỹ không thể tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay?

Dĩ nhiên khó có lý do nào có thể chấp nhận được điều này, đặc biệt khi vẫn có một số cách bỏ phiếu thay thế cách bỏ phiếu trực tiếp vào một ngày cụ thể, như bỏ phiếu qua thư gửi bưu điện. Dù khả năng phải hoãn là thấp nhưng vẫn có thể xảy ra nếu biện pháp bỏ phiếu qua thư vẫn không thể thực hiện được khi đại dịch tệ đến mức gây nguy hiểm cho tính mạng các nhân viên bưu điện phải phục vụ công tác bầu cử.

Vì thế, giờ không phải là quá sớm để đặt câu hỏi này. Hiến pháp Mỹ quy định thế nào trong trường hợp tình trạng khẩn cấp ngăn cuộc bầu cử diễn ra trước thời điểm nhiệm kỳ tổng thống hiện tại kết thúc? Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ và khả năng cũng sẽ khó xảy ra trong năm nay. Dù vậy, các chuyên gia luật pháp luôn thích nghiền ngẫm các giả thuyết và GS luật Alan Dershowitz không ngoại lệ.

Ông Dershowitz là GS danh dự tại ĐH Harvard (Mỹ), từng làm việc trong đội ngũ pháp lý đại diện Tổng thống Donald Trump suốt thời gian thượng viện mở phiên tòa luận tội ông. Trong bài viết trên trang tin The Hill, GS Dershowitz đã có một số phân tích thú vị về tình huống này.

Hiến pháp Mỹ quy định ra sao?

Trước hết, dĩ nhiên vẫn cần bắt đầu từ hiến pháp. Hiến pháp Mỹ không có câu trả lời rõ ràng cho tình huống này nhưng có một số quy định mà từ đó có thể tự đưa ra kết luận.

Một điều rõ ràng là ở Mỹ, dù chưa bầu cử tổng thống kế tiếp, tổng thống đương nhiệm cũng không được tiếp tục cầm quyền cho đến khi cuộc bầu cử được thực hiện. Điều này khác với nhiều nước trên thế giới. Đơn cử ở Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục cầm quyền cho đến khi người thay thế ông được bầu. Nói cách khác, nhiệm kỳ tổng thống ở Mỹ kết thúc vào một ngày xác định, bất kể người kế nhiệm đã được chọn hay chưa.

Cựu phó tổng thống thuộc đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và đương kim tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ cạnh tranh nhau trong cuộc bầu cử sắp tới. Ảnh: WSJ

Tu chính án thứ 20 trong Hiến pháp Mỹ nêu rõ: “Các nhiệm kỳ của tổng thống và phó tổng thống sẽ kết thúc vào trưa 20-1”. Đoạn tiếp đó của văn bản này có câu “các nhiệm kỳ của những người kế nhiệm sẽ bắt đầu sau đó”. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu chưa có người kế nhiệm nào được bầu? Hiến pháp Mỹ không có câu trả lời cho trường hợp này. Không như khi một tổng thống bị phế truất hay qua đời, Hiến pháp Mỹ rõ ràng không dự liệu được tình huống nước này vì lý do nào đó không tổ chức bầu cử.

Tu chính án thứ 20 có đề cập đến chuyện khi không có tổng thống hay phó tổng thống được chọn “trước thời điểm đã được xác định để bắt đầu nhiệm kỳ của người đó” nhưng kịch bản có phần hơi khác. Tu chính án ghi: “Theo luật, trong trường hợp cả tổng thống đắc cử hay phó tổng thống đắc cử không đủ tư cách, Quốc hội có quyền tuyên bố người sẽ giữ vai trò tổng thống, hay tuyên bố cách thức chọn người giữ vai trò tổng thống và người này sẽ giữ vai trò tổng thống đến khi có được một tổng thống hay phó tổng thống đủ tư cách”. vấn đề là nếu không có bầu cử thì sẽ không có tổng thống đắc cử hay phó tổng thống đắc cử.

Chúng ta đã tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống trong thời kỳ nội chiến và trong Thế chiến I dù tình hình cực kỳ phức tạp, vì vậy chưa từng có tiền lệ cho việc này.

GS luật ROGERS SMITH tại ĐH Pennsylvania (Mỹ)
nói về chuyện hoãn bầu cử tổng thống Mỹ
 

Tiến trình tìm người kế nhiệm thế nào?

Quốc hội có quy định về việc kế nhiệm ở Nhà Trắng khi không có tổng thống hay phó tổng thống với các lý do “qua đời, từ nhiệm, bị phế truất, không có năng lực, không đủ tiêu chuẩn” nhưng lại không có lý do không có bầu cử. Hơn nữa, dù cho là Quốc hội có thẩm quyền trám được lỗ hổng này trong hiến pháp thì cũng không rõ Quốc hội sẽ làm thế nào với các quy định hiện hành.

Theo quy định về kế nhiệm tại Nhà Trắng của Quốc hội, hàng kế nhiệm đầu tiên bắt đầu với chủ tịch hạ viện. Tuy nhiên, nếu không có bầu cử thì cũng không có chủ tịch hạ viện vì toàn bộ thành viên hạ viện cũng phải được bầu lại trong cuộc bầu cử tháng 11. Nhiệm kỳ của tất cả thành viên hạ viện sẽ chấm dứt vào ngày 3-1, theo quy định trong hiến pháp.

Không như hạ viện, phần lớn thành viên thượng viện không phải bầu lại trong cuộc bầu cử tháng 11 và vì thế vẫn được tiếp tục nhiệm kỳ. Do đó, sẽ có một thượng nghị sĩ được bầu làm chủ tịch tạm thời của thượng viện trong thời gian một số lượng vị trí thượng nghị sĩ được bầu lại trong cuộc bầu cử tháng 11. Vị trí chủ tịch thượng viện tạm thời này về truyền thống thường được trao cho người có thời gian hoạt động lâu nhất ở cương vị thượng nghị sĩ.

Trong bối cảnh hiện tại, đến tháng 11 khi một số lượng thượng nghị sĩ hết nhiệm kỳ phải chờ bầu lại thì thế đa số tại thượng viện sẽ thuộc về đảng Dân chủ do phần lớn những người bầu lại đều thuộc đảng Cộng hòa .Người có thâm niên nhất bên phía đảng Dân chủ tại thượng viện là thượng nghị sĩ Patrick Leahy. với thế đa số của mình, đảng Dân chủ có thể chọn bất kỳ thượng nghị sĩ nào khác ngoài ông Leahy cho vị trí chủ tịch thượng viện tạm thời và đó có thể là bà Elizabeth Warren hay ông Bernie Sanders.

Nếu quy định kế nhiệm của Quốc hội có thể choàng cuộc bầu cử bị bỏ lỡ - dù khả năng này không chắc - thì khi đó vị thượng nghị sĩ được chọn làm chủ tịch thượng viện tạm thời sẽ là tổng thống tiếp theo của Mỹ. Viễn cảnh này quả đáng lo ngại với đảng Cộng hòa, đủ để đảng này phải làm hết sức để đảm bảo cuộc bầu cử có thể diễn ra, theo GS Dershowitz.

Không có khả năng ông Trump trì hoãn bầu cử

Ông Joe Biden, người gần như chắc chắn sẽ đại diện đảng Dân chủ chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống tới, lo ngại ông Donald Trump sẽ tìm cách hoãn cuộc bầu cử. Tuy nhiên, theo luật pháp, ông Trump không có quyền đơn phương thay đổi ngày bầu cử. Cụ thể, GS luật Rogers Smith tại ĐH Pennsylvania (Mỹ) cho biết Hiến pháp Mỹ không đề cập đến việc tổng thống có quyền tác động đến thời gian hay cách thức tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm