Đài RT đưa tin vào ngày 13-8, Palestine đã triệu hồi đại sứ tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) như một động thái đáp trả việc Israel và UAE đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao sau khi cùng ký một thỏa thuận với Mỹ.
Đại sứ Palestine đã được triệu hồi khỏi Abu Dhabi sau thỏa thuận giữa Israel và UAE - quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Tel Aviv.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã lên án mạnh mẽ vấn đề này và yêu cầu đại sứ Palestine tại UAE phải trở về nước ngay lập tức.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn của ông Abbas - ông Nabil Abu Rudeineh nói rằng giới lãnh đạo Palestine coi động thái của UAE là "một sự phản bội".
Ông Rudeineh cũng kêu gọi Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo "bác bỏ" thỏa thuận trên, nói thêm rằng "UAE và bất kỳ bên nào khác không có quyền lên tiếng nhân danh người dân Palestine".
Trong một bài phát biểu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết thỏa thuận này sẽ dẫn đến "hòa bình toàn vẹn và chính thức" với quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các nước khác trong khu vực sẽ noi gương UAE.
"Đây là khoảnh khắc thú vị có một không hai, là lịch sử cho hòa bình ở Trung Đông" - ông Netanyahu nói.
Ông Netanyahu cho biết việc sáp nhập các phần của Bờ Tây bị chiếm đóng vẫn còn phải chờ sự xác nhận của Tổng thống Mỹ Donald Trump để chính thức thực hiện.
Thỏa thuận mang lại một thành tựu ngoại giao cho ông Netanyahu sau nhiều tuần bị chỉ trích về việc xử lý đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, nhưng cũng khiến những người định cư cánh hữu Israel với mong muốn thôn tính Bờ Tây tức giận.
Chính quyền Palestine và Tổ chức Giải phóng Palestine đã từ chối tất cả các giao dịch chính trị với chính quyền Tổng thống Trump trong hơn hai năm, cáo buộc rằng Mỹ luôn có lập trường ủng hộ Israel trong nhiều vấn đề.