Theo AFP, chính quyền cũng đã ra lệnh cấm các cuộc biểu tình trên một khu vực rộng lớn ở phía tây Paris, bao gồm cả Đại lộ Champs-Elysses, nơi hàng ngàn kẻ kích động đã tụ tập bạo loạn ngày 16-3 tuần trước.
Hàng chục phương tiện cảnh sát, bao gồm xe bọc thép và vòi rồng đã được triển khai quanh Khải Hoàn Môn, cùng hàng ngàn cảnh sát triển khai kiểm tra túi xách của người đi đường tại một số cửa hàng quanh khu vực trên, trang AFP cho biết.
Phương tiện cảnh sát túc trực xung quanh Khải Hoàn Môn. Ảnh: AFP
Ngoài ra, bên phía đối diện của lối vào Quảng trường Concorde, gần dinh Tổng thống và Quốc hội, cũng đã bị phong tỏa hoàn toàn. Hai máy bay không người lái liên tục vòng quanh thủ đô để tìm hiểu động tĩnh của cuộc biểu tình.
Hàng chục xe cảnh sát tăng cường an ninh trên đại lộ Champs-Elysses. Ảnh: AFP
Tính đến trưa ngày 23-3 (theo giờ Paris), đã có 31 người bị bắt giữ và 15 người khác bị phạt vì phản đối những vấn đề trái pháp luật.
Các ngân hàng và các cơ sở kinh doanh quanh thủ đô Paris đã được che chắn kỹ bằng gỗ và vẫn chưa mở cửa. Trường học tạm thời cho học sinh nghỉ ngày 23-3.
Lệnh cấm biểu tình cũng được áp dụng tại trung tâm các thành phố như Toulouse, Bordeaux, Dijon, Rennes và đặc biệt là thành phố Nice, nơi dự kiến sẽ diễn ra cuộc gặp mặt giữ chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Pháp vào ngày 24-3 (giờ Pháp).
Trước đó, bất chấp lệnh cấm, nhiều người vẫn tụ tập tại quảng trường Garibaldi của thành phố Nice, nhưng sau đó nhanh chóng bị giải tán, và sáu người đã bị bắt giữ.
Những người tổ chức biểu tình "Áo vàng" kêu gọi trên mạng xã hội về cuộc biểu tình trên khắp Paris, bao gồm cả quảng trường Trocadero, trước Tháp Eiffel.
Chính quyền tổng thống Macron đang chịu áp lực lớn khi phải tìm cách tránh lặp lại cuộc biểu tình đầy bạo lực trên đại lộ Champs-Elysees như tuần trước. Vụ biểu tình ngày 16-3 vừa qua, hơn 100 cửa hàng, doanh nghiệp đã bị những người biểu tình quá khích mặc đồ đen, trùm kín mặt cướp bóc, đốt phá.
Người biểu tình mặc đồ đen đứng trước một cửa hàng bị đốt phá trong cuộc bạo loạn ngày 16-3 vừa qua. Ảnh: AFP
Vì thế, chính phủ đã bố trí lại các binh sĩ từ lực lượng chống khủng bố Sentinelle để bảo vệ các tòa nhà công cộng, cùng 6.000 cảnh sát được triển khai rộng khắp Paris để giải quyết bất kỳ vụ bạo lực nào.
Hành động này của chính phủ đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các đảng đối lập, họ cho rằng chính phủ “đang đùa với lửa.”
Guillaume Larrivé, nghị sĩ thuộc đảng cánh hữu Les Républicains (những người cộng hòa) cho rằng: “Việc duy trì trật tự tại Pháp là nhiệm vụ của cảnh sát và vệ binh quốc gia Pháp chứ không phải là việc của quân đội.” Ông Larrivé chỉ trích sự “ứng biến” của chính phủ với phong trào Áo vàng, và bày tỏ hành động này có thể làm suy yếu nền hòa bình trong nước.