Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10-12 lần đầu lên tiếng sau bốn tuần im lặng dù biểu tình gây chao đảo Paris và cả nước. Trên sóng truyền hình quốc gia truyền trực tiếp từ Điện Elysee, bằng giọng nói nhẹ nhàng và lịch sự, ông Macron tuyên bố chịu trách nhiệm đã khiến người dân tức giận, thừa nhận “đã làm nhiều người tổn thương”.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Trong nỗ lực làm dịu lòng dân, ông Macron hứa hẹn một loạt sửa đổi từ năm 2019. Cụ thể là tăng lương tối thiểu, bỏ thuế đánh lên giờ làm thêm và tiền thưởng cuối năm, không tăng thuế các khoản trợ cấp. Trước đó, tuần trước chính phủ Pháp đã thông báo ngưng tăng giá nhiên liệu trong sáu tháng.
Ông Macron tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về kinh tế và xã hội, yêu cầu chính phủ và Quốc hội ngay lập tức có biện pháp sửa đổi các quy định về thuế và các chính sách ảnh hưởng đến túi tiền tầng lớp lao động Pháp.
Nhượng bộ người biểu tình là một bước lùi của ông Macron với tham vọng định hình lại kinh tế Pháp cũng như tham vọng trở thành một lãnh đạo đứng đầu Liên minh châu Âu. Bỏ các tham vọng này qua một bên, ông Macron giờ nhận ra nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là phải tập trung được sự ủng hộ từ người dân Pháp. Tỉ lệ ủng hộ hiện tại người dân Pháp dành cho ông Macron chỉ 26%, mức thấp nhất từ trước nay với một lãnh đạo Pháp thời hiện đại. Lực lượng chính trị gia đối lập cũng đang vận động bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Macron.
Người biểu tình áo vàng theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron trên truyền hình ngày 10-12. Ảnh: REUTERS
Ông Macron sẽ không từ chức
Tuy nhiên, có vẻ phát ngôn của ông Macron không làm người dân thỏa mãn. CBS News dẫn thông tin từ một số đại diện biểu tình nói sẽ vẫn tiếp tục xuống đường vào cuối tuần này. Nhiều người biểu tình cho biết chính sự im lặng kéo dài của ông Macron đã khiến họ thêm giận dữ và giờ điều duy nhất mà họ muốn nghe từ miệng ông Macron là “Tôi từ chức” chứ không phải các hứa hẹn, nhượng bộ.
Trước mắt, ông Macron không có dấu hiệu gì sẽ từ chức. Đảng chính trị En Marche! của ông Macron chiếm đa số ở Quốc hội. Ông Macron được sự ủng hộ của các lãnh đạo doanh nghiệp và bộ phận lớn người dân thành thị. Và theo lịch thì Pháp sẽ chưa bầu cử tổng thống hay bầu cử Quốc hội trước năm 2022.
Làn sóng biểu tình lần này có thể không buộc được ông Macron phải ra đi. tuy nhiên, theo Foreign Policy, chuyện này không công bằng với ông Macron. Trả lời phỏng vấn CNN đầu tháng này, ông Macron nói rằng sẽ cần “ít nhất 18-24 tháng” để người dân cảm nhận được tác động tích cực từ các biện pháp kinh tế mà ông ban hành. Ông Macron từng kêu gọi nên có sự kiên nhẫn cần thiết cho các liều thuốc cải cách có tác dụng.
Một bộ phận lớn người Pháp từ lâu thừa nhận Pháp mắc kẹt trong tăng trưởng kém, thất nghiệp cao. Nhưng họ không sốt ruột, thậm chí vẫn hài lòng khi nhìn sang các láng giềng và thấy Đức, Đan Mạch… có cùng luật lao động, chính sách thuế như mình. Trước ông Macron, người tiền nhiệm Nicolas Sazkozy cũng từng muốn cải cách nhưng rồi buộc phải rút các nỗ lực giúp các công ty Pháp dễ thuê và sa thải nhân công hơn, cũng vì biểu tình.
Cuộc biểu tình “áo vàng” bắt đầu tại Pháp từ ngày 17-11 nhằm phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu gây tăng chi phí sinh hoạt. Bất kể phát ngôn hòa hoãn của ông Macron, các lãnh đạo biểu tình vẫn kêu gọi tiếp tục xuống đường cuối tuần này. Không chỉ tầng lớp lao động, giờ ngay cả giới học sinh-sinh viên (HS-SV) cũng gia nhập làn sóng biểu tình. Số liệu từ Bộ Giáo dục Pháp cho thấy trong ngày đầu tuần 10-12 có tới 120 trường học, đại học khắp nước đóng cửa vì bị HS-SV phong tỏa. Giới HS-SV muốn chính phủ cải cách giáo dục, trong đó có giảm học phí cho HS-SV nước ngoài. Theo các SV, điều này không chỉ không công bằng mà còn có thể là tiền đề để chính phủ Pháp tăng học phí lên cả HS-SV trong nước. |