Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 11-4 nhận định các áp lực về kinh tế và chính trị đã buộc lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tái sinh ngành công nghiệp quốc phòng đang có dấu hiệu chững lại của hòn đảo này bằng cách phát triển các vũ khí nội địa, mặc dù Mỹ đang xem xét bán nhiều vũ khí hơn cho Đài Loan.
Hạn chế về tài chính
“Đài Loan đã chi trả khá nhiều cho các khoản tiền mua vũ khí từ Mỹ và giờ Đài Loan vẫn còn đang thanh toán các đơn hàng vũ khí do những người tiền nhiệm của bà Thái đặt” - GS Arthur Ding đến từ Đài Loan cho biết. Trong khi đó ông Lin Chong-pin, cựu phó lãnh đạo Cơ quan quốc phòng Đài Loan, cho hay Đài Loan cần sở hữu các vũ khí công nghệ cao nhưng hòn đảo này cũng cần giải quyết với tình trạng tốc độ phát triển kinh tế đang giảm đi.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (trước, giữa) chụp ảnh cùng các quan chức hải quân Đài Loan trước chiếc tàu ngầm Sea Tiger của Hà Lan chế tạo tại căn cứ hải quân Tsoying ở TP Cao Hùng hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: AFP
“Liệu rằng Đài Loan có đủ tiền để trả cho các nhà cung cấp vũ khí Mỹ hay không thì không nói chắc được. Và thậm chí nếu Đài Loan có thể mua tất cả vũ khí cần thiết thì kho vũ khí của Đài Loan có khả năng đối trọng kho vũ khí của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc hay không?” - ông Lin đặt nghi vấn.
Andrei Chang, nhà sáng lập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, cho biết Đài Loan sẽ phải chi lên tới 15 tỉ USD để mua tất cả vũ khí từ Mỹ mà hòn đảo này cần. Danh sách này gồm 66 chiến đấu cơ F-16C/D, hơn năm máy bay tuần tra và chống ngầm P-3 Orion, bốn tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga cùng nhiều thiết bị quân sự khác.
Tập đoàn Rand Corporation trong một báo cáo hồi năm ngoái cho biết nếu Đài Loan muốn ngăn sự gây hấn của Bắc Kinh, hòn đảo này cần chi 25,3 tỉ USD cho chương trình nâng cấp vũ khí trong hai thập niên tới.
"Tự bơi" vì áp lực từ Bắc Kinh
Không như những người tiền nhiệm Mã Anh Cửu và Trần Thủy Biển, những người ưu tiên mua vũ khí từ Mỹ, bà Thái Anh Văn cam kết sẽ tái sinh ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Đài Loan khi bà tham gia chiến dịch bầu cử lãnh đạo Đài Loan hồi năm ngoái.
Việc giữ lời hứa của bà Thái có thể được thấy rõ khi hồi tháng 8-2016 chính quyền của bà công bố dành khoản ngân sách 6,7 tỉ đôla Đài Loan (khoảng 218,5 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển vũ khí nội địa.
Bà Thái Anh Văn phát biểu trước các binh sĩ Đài Loan trong cuộc tập trận Hán Quang. Ảnh: EPA
Tháng 2 năm nay, bà Thái đã tiết lộ một kế hoạch sản xuất 66 máy bay huấn luyện siêu âm trước năm 2026 với tổng chi phí 3,13 tỉ USD để thay thế các máy bay huấn luyện AT-3 và các chiến đấu cơ F-5 do Mỹ chế tạo. Các máy bay này đã được đưa vào phục vụ quân đội Đài Loan hơn 30 năm qua. Tháng trước, bà Thái cũng công bố kế hoạch hạ thủy tám tàu ngầm quân sự trong 10 năm tới.
“Đài Loan có các hạn chế trong việc phát triển công nghiệp quốc phòng. Đài Loan chỉ có thể đạt được các công nghệ chế tạo thông qua các dự án với các đồng minh như Mỹ. Tuy nhiên, Washington lo ngại các gián điệp Bắc Kinh có thể đánh cắp bí mật quân sự Mỹ từ Đài Loan nếu họ chuyển công nghệ tiên tiến cho Đài Loan” - GS Alexander Huang Chieh-cheng, chuyên về quan hệ quốc tế tại ĐH Tamkang (Đài Loan), nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Antony Wong Dong đến từ Macau đánh giá kế hoạch của bà Thái là một chiến lược về dài hạn và có tầm nhìn.
“Cho tới nay không quốc gia nào trên thế giới dám mua vũ khí của Đài Loan vì e ngại trước áp lực ngoại giao từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, với vai trò là một người lãnh đạo quyết đoán và có trách nhiệm, bà Thái cần có những bước đi mạo hiểm như thế này” - ông Antony Wong Dong nói.
Một công nhân cơ khí làm nhiệm vụ ở căn cứ không quân Đài Trung. Ảnh: AP
Tờ Yumiuri Shimbun (Nhật) gần đây cũng dẫn các nguồn thạo tin cho hay Mỹ thậm chí đã không bán vũ khí cho Đài Loan trong giai đoạn 2011-2015. Thay vào đó, Washington chỉ giúp nâng cấp các chiến đấu cơ hiện có của Đài Loan hoặc chỉ bán các trực thăng đa nhiệm.
Sẽ đối trọng Trung Quốc?
Sau ba năm hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc dự kiến sẽ cho ra đời các vũ khí tiên tiến trong năm nay, gồm có tàu ngầm tấn công đổ bộ lớn nhất của nước này Type 075, tàu khu trục Type 055, tăng khả năng răn đe Đài Loan bằng quân sự.
Tháng trước, người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan cho biết Bắc Kinh đã triển khai tên lửa tối tân Đông Phong 16 chĩa vào Đài Loan. Đài Loan cho biết Bắc Kinh hiện triển khai ít nhất 1.500 tên lửa nhắm vào hòn đảo này.
Thông tin từ ông Phùng được đưa ra chỉ vài ngay sau khi xuất hiện một báo cáo cho biết chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ thông qua gói vũ khí trị giá 1 tỉ USD để bán cho Đài Loan.
Các xe quân sự chở tên lửa Đông Phong 16 trong một cuộc diễu binh ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Ảnh: HANDOUT
“Đài Loan phải cẩn trọng về vấn đề này vì nhiều tuyên bố mà ông Trump đưa ra chỉ nằm trên mặt lời nói. Ông Trump sẽ không thực hiện tất cả các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông” - ông Lin cảnh báo. Ông cho biết thậm chí nếu ông Trump thật sự thực hiện thương vụ vũ khí này thì vẫn có một “khoảng cách lớn, cả về số lượng và chất lượng” giữa quân đội Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Chuyên gia hải quân Li Jie đến từ Bắc Kinh cho rằng Đài Loan sẽ mất hơn 10 năm để đưa tất cả tàu ngầm nội địa của hòn đảo này vào biên chế. "Tôi e là Đài Loan hóa ra đang sản xuất các mảnh sắt vụn dưới nước mà thôi!” - ông Li mỉa mai.