Tam giác Mỹ - Đài - Trung tiếp tục đi vào ngõ cụt

Hôm qua (20-5), bà Thái Anh Văn đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan. Sự kiện này dự báo quan hệ Trung Quốc (TQ) - Đài Loan tiếp tục bước vào những ngày tháng không êm đẹp, nhất là trong bối cảnh lập trường hai phía ngày càng khác nhau và sự ủng hộ của Mỹ với chính quyền Đài Bắc ngày càng lớn. Tam giác Mỹ - Đài - Trung vì thế cũng bước vào giai đoạn dự báo là sóng gió mới.

Lập trường cương quyết của Đài Bắc lẫn Bắc Kinh

“Đài Loan không thể trở thành một phần (lãnh thổ) của TQ theo hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” - bà Thái Anh Văn khẳng định, theo hãng tin Reuters. Theo đó, lãnh đạo Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ yêu sách chủ quyền của TQ với vùng lãnh thổ này. Chính quyền Đài Bắc cũng khẳng định không để Bắc Kinh hạ thấp vị thế của Đài Loan hoặc làm suy yếu, thay đổi nguyên trạng hiện nay ở eo biển Đài Loan. Phía Đài Loan cũng ám chỉ quan hệ giữa chính phủ TQ và chính quyền Hong Kong, vốn theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, đã gặp nhiều khó khăn trong suốt nhiều năm qua mà chưa có lối ra.

Trái lại, chính phủ TQ lâu nay quả quyết việc “thống nhất” Đài Loan vào lãnh thổ của mình sẽ “chắc chắn diễn ra” và Bắc Kinh sẽ không cho phép Đài Loan tuyên bố trở thành quốc gia độc lập. Thậm chí, trước bối cảnh lãnh đạo Thái Anh Văn tìm cách đưa Đài Loan trở thành một nước độc lập với TQ thì Bắc Kinh đã khẳng định không loại trừ biện pháp vũ lực để ngăn cản Đài Loan. Chính vì thế, trước việc tái đắc cử của bà Thái Anh Văn, giới quan sát nhận định quan hệ Bắc Kinh - Đài Bắc sẽ tiếp tục xấu đi.

Bên cạnh đó, bà Thái Anh Văn trúng cử trong bối cảnh khá trái ngược giữa Đài Loan và TQ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Bắc Kinh gặp vô số chỉ trích liên quan đến đại dịch, như nghi án che giấu thông tin, ngăn cản các cuộc điều tra về nguồn gốc virus gây bệnh vào những ngày đầu bùng phát dịch, triển khai ngoại giao y tế kém chất lượng, tiến hành động thái leo thang căng thẳng ở Biển Đông giữa lúc các nước bận rộn chống dịch. Trong khi đó, vị thế toàn cầu của Đài Loan, theo báo The Guardian, đã được củng cố và thúc đẩy đáng kể nhờ việc phản ứng minh bạch và đối phó hiệu quả với đại dịch.

Lãnh đạo Thái Anh Văn có các chính sách khiến Bắc Kinh không hài lòng, nhất là việc kêu gọi  Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc. Ảnh: AP

Sự hiện diện của Mỹ

Mối quan hệ TQ-Đài Loan ngoài mâu thuẫn về lập trường “một quốc gia, hai chế độ” còn gặp xung đột về Biển Đông. Yêu sách đường chín đoạn của TQ tất nhiên sẽ không loại trừ các vùng biển mà Đài Loan đang chiếm đóng (dù có hợp pháp hay không). Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, Đài Loan đang là nhân tố để Mỹ trực tiếp cạnh tranh với TQ tại khu vực, vốn đang bị Bắc Kinh tìm cách chi phối và “xét lại lịch sử”, thay đổi cục diện mà Mỹ lãnh đạo.

“Mỹ từ lâu đã xem Đài Loan là một lực lượng thân cậy của thế giới và là một đối tác tin cậy. Chúng ta có chung một tầm nhìn đối với khu vực, bao gồm tinh thần thượng tôn pháp luật, minh bạch, thịnh vượng và an toàn cho tất cả các bên” - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu. Ông Pompeo cũng bày tỏ sự chúc mừng của Mỹ với lãnh đạo Đài Loan, đồng thời ca ngợi rằng: Lòng dũng cảm và tầm nhìn của bà Thái Anh Văn khi lãnh đạo nền dân chủ Đài Loan sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho khu vực và thế giới.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong bài phát biểu nhậm chức cũng đưa ra các cam kết về tăng trưởng kinh tế và cải cách ở vùng lãnh thổ này. Một số kế hoạch bà Văn đưa ra, theo The Guardian, dường như đã thách thức trực tiếp lợi ích toàn cầu của TQ. Trong đó, người đứng đầu chính quyền Đài Bắc cam kết phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng gắn liền với sự chuyển đổi hệ thống mạng 5G toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực tạo ra một hệ thống an ninh mạng và một chuỗi công nghiệp có thể bảo vệ vùng lãnh thổ của chúng tôi và đạt được sự tin cậy của thế giới” - bà Thái Anh Văn nói. Phát biểu này diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp 5G của TQ - đi đầu là Tập đoàn Huawei - đang bị nhiều quốc gia ngăn cản, cấm sử dụng vì lo ngại vấn đề an ninh. 

Trước nay, Mỹ luôn là quốc gia hỗ trợ quân sự chính để Đài Loan ứng phó với TQ, đồng thời luôn ủng hộ Đài Bắc tham gia vào các thể chế quốc tế theo tư cách quốc gia. Hành động của Mỹ khiến TQ tức giận và liên tục gây áp lực đối với Washington lẫn Đài Bắc. Hiện nay, quan hệ Mỹ-Đài Loan càng được siết chặt hơn vì ba động lực lớn: (i) TQ ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự, đánh tiếng thúc đẩy quá trình thống nhất Đài Loan; (ii) Mỹ và TQ ngày càng căng thẳng vì chiến tranh thương mại, sở hữu trí tuệ; và (iii) Washington cáo buộc Bắc Kinh ứng xử sai trái trong cuộc chiến chống đại dịch.

Mới đây, một trong những nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới (của Đài Loan) tuyên bố công ty này sẽ xây dựng một nhà máy tại bang Arizona (Mỹ). Động thái này khởi đầu cho quá trình chuyển các cơ sở sản xuất từ TQ về Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào TQ. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố những thay đổi về luật pháp nhằm vào các hoạt động kinh doanh giữa gã khổng lồ công nghệ TQ Huawei với các doanh nghiệp sản xuất chip máy tính của Đài Loan và toàn cầu. Điều này đồng nghĩa rằng chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ của TQ sẽ gặp gián đoạn khi không thể tiếp cận các nhà máy sản xuất của các quốc gia khác và cả vùng lãnh thổ Đài Loan. Việc Washington phối hợp với Đài Bắc hay các nước khác để tấn công TQ là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì các giá trị tự do mà Mỹ tạo ra ở khu vực đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do sự trỗi dậy đầy tranh cãi của TQ.

Bắc Kinh lên tiếng

Chỉ vài giờ sau bài phát biểu nhậm chức của lãnh đạo Thái Anh Văn, Văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của TQ đã lên tiếng. Họ cho biết hai bên sẽ tiếp tục làm việc với nhau để tăng cường phát triển. Tuy nhiên, phía TQ khẳng định sẽ không bao giờ tha thứ cho bất kỳ động thái nào nhằm chia tách Đài Loan ra khỏi TQ, hoặc tạo ra bất kỳ cơ hội nào để Đài Loan hình thành sự độc lập.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của TQ Ma Xiaoguang khẳng định việc thống nhất (Đài Loan vào chủ quyền lãnh thổ TQ) là một xu hướng hiển nhiên của lịch sử và TQ sẽ không bỏ qua cho bất kỳ sự can thiệp nào từ các thế lực bên ngoài đối với các vấn đề liên quan đến Đài Loan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm