Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu NATO, EU hỗ trợ thêm ở Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu thêm sự hỗ trợ từ các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới cuộc chiến ở Syria trong bối cảnh cuộc chiến ở tỉnh Idlib (tây bắc Syria) quyết liệt và cuộc khủng hoảng người tị nạn đang xảy ra ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp, theo kênh Al Jazeera.

Tổng thống Erdogan đã bay tới Brussels (Bỉ) đàm phàn với các nhà lãnh đạo EU và NATO sau khi căng thẳng bùng phát về số phận của hàng vạn người tị nạn đang cố gắng đi vào Hy Lạp - thành viên của EU. Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước cho hay nước này không thể nhận thêm người tị nạn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels (Bỉ) ngày 9-3. Ảnh: Anadolu

Sau các cuộc hội đàm ngày 9-3 với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Erdogan cho hay ông muốn các đối tác phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ thêm cho nước ông để ứng phó với hàng triệu người tị nạn từ Syria.

Ông Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất của NATO chống các mối đe dọa ở Syria, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong chín năm qua và nhiều binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giết chết.

“Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Syria, về khía cạnh an ninh và nhân đạo, đang đe dọa khu vực của chúng tôi và thậm chí toàn châu Âu. Không quốc gia nào ở châu Âu có quyền thờ ơ với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria” - ông Erdogan nhấn mạnh.

Về phần mình, ông Stoltenberg chỉ ra rằng vấn đề người di cư và tị nạn dọc biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ là thách thức chung và đòi hỏi phải có “các giải pháp chung”.

“Tôi hoan nghênh cuộc đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU và tôi tin rằng sẽ tìm ra cách giải quyết. NATO sẽ tiếp tục đóng góp vai trò của mình. Các đồng minh cũng đã chuẩn bị tiếp tục ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi đang khám phá những gì chúng tôi có thể làm hơn nữa” - ông Stoltenberg nói.

Tổng thống Erdogan đưa ra động thái trên sau khi hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị giết chết trong cuộc giao tranh quyết liệt ở tỉnh Idlib (tây bắc Syria) giữa lực lượng nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn với lực lượng chính phủ Syria.

“Chúng tôi mong đợi sự hỗ trợ cụ thể từ tất cả đồng minh của chúng tôi trong cuộc chiến mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một mình. Đây là giai đoạn quan trọng NATO cần thể hiện rõ ràng sự ủng hộ” - ông Erdogan nói với báo giới khi ngồi cạnh ông Stoltenberg.

“Hơn cả chuyện tiền”

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận hơn 3,5 triệu người tị nạn Syria và ông Erdogan yêu cầu châu Âu chia sẻ gánh nặng trong việc bảo vệ họ.

Ông Erdogan dự kiến hội đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu - ông Charles Michel và  Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen, những người hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ thỏa thuận chung về người tị nạn năm 2016.

Thỏa thuận EU- Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 quy định Ankara sẽ ngăn những người di cư bất hợp pháp vào EU. Đổi lại, khối này cam kết chi ra 6 tỉ Euro (6,8 tỉ USD) để chăm sóc cho những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Người di cư tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. Ảnh: SPUTNIK

Nhà báo Natasha Ghoneim của kênh Al Jazeera đưa tin từ TP Erdine (Thổ Nhĩ Kỳ) nói rằng: “Ông Erdogan đã yêu cầu NATO cung cấp hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và có khả năng ông sẽ nêu điều này trong các cuộc họp với các nhà lãnh đạo NATO và EU”.

 “Các nhà phân tích nói rằng họ không mong đợi ông Erdogan sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận năm 2016 với EU mà kiểm soát chặt chẽ tại các đường biên giới. Họ nói ông Erdogan muốn nhìn thấy EU làm nhiều hơn chứ không chỉ là cung cấp hỗ trợ tài chính” - nhà báo Ghoneim nói.

Ông Erdogan đã đưa cho NATO một danh sách gồm 10 yêu cầu, trong đó có yêu cầu hỗ trợ trên không lớn hơn tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, cung cấp thêm máy bay do thám, máy bay không người lái trinh sát, tàu chiến tại đông Địa Trung Hải, theo các nguồn tin ngoại giao.

“Mở cổng”

Hôm 8-3, Tổng thống Erdogan yêu cầu Hy Lạp “mở các cánh cổng” cho người di cư. Ông Erdogan đề nghị Hy Lạp nên “để họ đi tới các quốc gia châu Âu khác” và “thoát khỏi gánh nặng này”.

Hôm 9-3, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không dùng vấn đề di cư này làm “con bài mặc cả chính trị” với các nước châu Âu trước thềm diễn ra các cuộc đối thoại với các quan chức châu Âu.

Hàng vạn người di cư đã kéo tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp hồi cuối tháng 2 sau khi Ankara thông báo nước này đã mở cửa biên giới với EU giữa lúc tình hình chiến sự ở Idlib căng thẳng.

Tuần trước, Tổng thống Erdogan cảnh báo rằng ông sẽ để hàng triệu người tị nạn đi tới các biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU, rằng thời kỳ Thổ Nhĩ Kỳ tự hy sinh đơn phương liên quan tới những người tị nạn sắp kết thúc.

Ông Erodogan hôm 8-3 cảnh báo Nga và Syria rằng nếu những lời hứa đã đưa ra liên quan tới thỏa thuận ngừng bắn tại Syria mới ký gần đây không được tuân thủ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bảo lưu quyền “dọn sạch” khu vực bằng cách riêng của họ.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thông báo lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và quân chính phủ Syria ở Idlib sau các cuộc đàm phán giữa Thổng thống Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Moscow hôm 5-3.

Lệnh ngừng bắn bao gồm thỏa thuận tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở đường cao tốc M4 và hành lang an ninh rộng 12 km dọc đường cao tốc. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm 6-3.

Quân đội Syria bắt đầu chiến dịch ở Idlib hồi cuối năm 2019 sau khi liên tục bị phe nổi dậy tấn công. Hôm 27-2, sau trận không kích của chính phủ Syria nhằm vào quân khủng bố ở Idlib và giết chết 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch Lá chắn mùa xuân nhằm đẩy lùi lực lượng Syria và đã giết chết hàng chục lính Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm