Tổng Thư ký NATO: Không có chuyện NATO cam kết không mở rộng về phía đông

Trong một bài trả lời phỏng vấn hãng tin Đức dpa hôm 23-12, Tổng Thư ký Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng tổ chức quân sự này chưa bao giờ cam kết với Nga về việc không mở rộng vượt quá lãnh thổ Tây Đức.

Theo PV dpa, Nga cho rằng NATO đã phá vỡ về việc không mở rộng về phía đông. Moscow đã trích dẫn phát ngôn trong quá khứ của các lãnh đạo phương Tây, trong đó có câu nói của cựu Tổng Thư ký NATO Manfred Woerner (giai đoạn 1988-1994): “Thực tế là chúng tôi sẵn sàng không triển khai quân NATO vượt quá lãnh thổ Tây Đức để tạo cho Liên Xô những cam kết an ninh vững chắc”.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng “NATO chưa bao giờ đưa ra lời hứa không mở rộng”. Tổng Thư ký đương nhiệm của NATO phân tích rằng từ trong hiệp ước thành lập (năm 1949), khối này đã nêu rõ rằng bất kỳ quốc gia châu Âu nào cũng có thể gia nhập. 

Tổng Thư ký Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: DPA

Ông Stoltenberg còn nhắc lại rằng nhiều thỏa thuận quốc tế khác, bao gồm Văn kiện nền tảng về quan hệ, hợp tác và an ninh giữa NATO và Nga (năm 1997), đều quy định một nguyên tắc cơ bản rằng các quốc gia đều có quyền lựa chọn hướng đi riêng.

Về căng thẳng hiện tại giữa NATO và Nga, ông Stoltenberg cho rằng mấu chốt để giải quyết bất đồng giữa hai bên là “tạo lập đối thoại có ý nghĩa (của NATO) với Nga nhưng không thỏa hiệp về quyền và trách nhiệm bảo vệ và phòng thủ cho các đồng minh”. Tổng Thư ký NATO cũng cho rằng việc cố gắng giảm căng thẳng là một vấn đề quan trọng.

“Chúng tôi sẽ liên tục đánh giá liệu có cần sự điều chỉnh về bố trí lực lượng của mình. Tôi sẽ suy đoán cẩn trọng về điều này vì bây giờ, sự điều chỉnh chỉ có thể làm tăng căng thẳng” - ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg cố gắng đối thoại với Nga trước khi hết nhiệm kỳ

Tổng Thư ký NATO còn “sẵn sàng ngồi xuống với Nga trong Hội đồng NATO-Nga (NRC)” và “sẵn sàng đối thoại”. Do đó, ông Stoltenberg đang có kế hoạch kêu gọi các bên tổ chức NRC “sớm nhất có thể trong năm mới (2022)”.

NRC là cơ chế tham vấn, xây dựng đồng thuận, hợp tác, quyết định và hành động chung giữa NATO và Nga, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002. Trong hai năm qua, hai bên chưa tổ chức cuộc gặp nào theo cơ chế NRC.

Ông Stoltenberg cũng quy trách nhiệm cho Nga về những căng thẳng hiện nay tại châu Âu. Tổng Thư ký NATO cáo buộc rằng Nga là bên gây hấn khi gia tăng lực lượng quân sự “gần và bên trong lãnh Ukraine” và cho biết khối quân sự này đang “theo dõi rất chặt chẽ” diễn biến này.

Tháng 9-2022, ông Stoltenberg sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp trên cương vị Tổng Thư ký NATO. Khi được hỏi về việc có tái tranh cử hay không, ông Stoltenberg chỉ nhấn mạnh rằng trước mắt, bản thân sẽ tập trung vào nhiệm vụ của mình trong khối quân sự. Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết ông Stoltenberg có ý định tranh cử vị trí lãnh đạo ở ngân hàng trung ương Na Uy.

Trước đó, trong cùng ngày 23-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc rằng NATO đã “lừa dối” Nga một cách “trắng trợn” kể từ lần đầu tiên mở rộng khối quân sự kết nạp các thành viên từng thuộc Khối Warsaw - liên minh quân sự do Liên Xô dẫn dắt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ukraine vẫn tăng xúc tiến quá trình gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhiều lần kêu gọi NATO tạo điều kiện để Kiev được kết nạp vào khối, coi đây là “cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh” ở miền đông nước này. Trong khi đó, Nga coi việc Ukraine gia nhập NATO là “lằn ranh đỏ”.

Ngoài Ukraine, một quốc gia láng giềng của Nga, cũng từng thuộc Liên Xô, là Georgia cũng đang được xem xét kết nạp vào NATO.

Căng thẳng giữa NATO và Nga đang dâng cao. Một số hãng truyền thông dẫn các nguồn tin giấu tên cho rằng Nga đang triển khai hơn 100.000 quân tới khu vực giáp Ukraine. Khi được hỏi về tình hình lực lượng Nga gần biên giới Ukraine, ông Stoltenberg từ chối “đi vào chi tiết các thông tin tình báo”.

Trong khi đó, tại các vùng lãnh thổ ly khai tự xưng được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine, giao tranh giữa lực lượng dân quân địa phương và quân chính phủ cũng ở mức nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua.

Cùng ngày 23-12, Reuters dẫn bốn nguồn tin giấu tên, cho biết lính đánh thuê Nga đã có mặt tại các vùng lãnh thổ ly khai này để tăng cường khả năng phòng thủ trước quân đội Kiev. Trong khi đó, chính quyền Moscow bác bỏ mọi sự liên quan tới các nhà thầu quân sự tư nhân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm