Những ngày vừa qua là những ngày nóng nhất, căng thẳng, phức tạp và bạo lực nhất trong suốt sáu tháng biểu tình qua.
Trường ĐH Bách khoa vẫn là điểm nóng biểu tình được chú ý nhất trong hôm qua (19-11), ngày thứ ba những người biểu tình cố thủ trong trường này (đa phần là sinh viên) bị cảnh sát bao vây.
Tình hình đã dịu bớt
Hơn 200 người biểu tình dưới 18 tuổi đã sơ tán khỏi trường trong suốt đêm 18-11 theo một thỏa thuận một số chính trị gia và nhà giáo dục Hong Kong thống nhất được với cảnh sát, SCMP cho biết. Khoảng 100 người biểu tình trên 18 tuổi cũng ra khỏi trường, chấp nhận bị cảnh sát bắt.
Theo SCMP, tính đến 8 giờ sáng qua, trong Trường ĐH Bách khoa còn khoảng 100 người biểu tình cố thủ, không chịu rời trường theo thỏa thuận. Đến tầm 10 giờ sáng, có khoảng 50 người biểu tình ra khỏi trường, đầu hàng cảnh sát. Hầu hết người biểu tình đều mệt mỏi, đói, bị hạ thân nhiệt, một số bị chấn thương ở chân. Người bị thương được cấp cứu tạm ngay trước cổng trường, sau đó được chuyển đến bệnh viện.
Theo SCMP, diễn biến này nhiều người nhẹ lòng khi người biểu tình được an toàn và thảm cảnh đổ máu đã tránh được. Trước đó nhiều người lo ngại bạo lực sẽ gia tăng khó đoán. Theo CNN, chiều 18-11, xuất hiện một nhóm cảnh sát chống bạo động mang theo súng trường tấn công dọn dẹp các tuyến đường gần Trường ĐH Bách khoa. Cảnh sát xác nhận với CNN rằng số vũ khí này “sẵn sàng để sử dụng”. Ngày trước đó, cảnh sát tuyên bố họ sẽ bắn đạn thật nếu cần thiết.
Tuy nhiên, tính đến tối 19-11 vẫn còn khoảng 50 người trong trường. Nhóm người này khẩn trương tìm lối thoát, kể cả nhảy xuống cống nước trong khi cảnh sát khép dần vòng vây, tuy nhiên chưa thoát được.
Khuôn viên Trường ĐH Bách khoa hoang tàn ngày 19-11. Ảnh: CNN
Người biểu tình nhảy xuống cống nước tìm đường thoát ra khỏi Trường ĐH Bách khoa tối 19-11. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát bị cáo buộc cứng rắn quá mức
SCMP dẫn số liệu từ cảnh sát cho biết tính tới chiều 19-11, có 1.100 người bị bắt. Cảnh sát mấy ngày nay vẫn lặp đi lặp lại họ xem những người bên trong trường là thành phần gây bạo loạn và sẽ truy tố. Nhưng theo chuyên gia pháp lý Eric Cheung Tat-Ming (Hong Kong), điều này không dễ. Theo ông Cheung: “Trừ khi cảnh sát có chứng cứ, như người nào đó ném bom xăng, còn không tôi không nghĩ chính quyền có thể chứng minh một người phạm tội chỉ với sự nghi ngờ”. Về khả năng cảnh sát có thể truy tố người biểu tình về tội tụ tập bất hợp pháp, ông Cheung nói những người biểu tình hòa bình sẽ được loại trừ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền SCMP một ngày trước khi chính thức nhậm chức cảnh sát trưởng Hong Kong ngày 19-11, ông Chris Tang Ping-keung bảo vệ lực lượng cảnh sát khi lực lượng này bị cáo buộc đã làm tình hình phức tạp hơn khi dùng chiến thuật cứng rắn quá mức cần thiết với người biểu tình trong ngày 18-11. Nhiều người cho rằng lẽ ra tình hình đã có thể được tháo ngòi nhanh hơn và đỡ mất sức, đỡ đổ máu và đỡ thiệt hại hơn cho các bên nếu cảnh sát cho phép người biểu tình tự do rời khỏi trường mà không bắt bớ. Trong quá trình giằng co tại trường, không chỉ có máu người biểu tình mà cả của cảnh sát cũng đã đổ. Tuy nhiên, theo ông Tang, trách nhiệm của cảnh sát là duy trì, thi hành luật pháp, không thể bỏ qua các hành động vi phạm pháp luật quy mô lớn của người biểu tình.
Ông Tang cũng thừa nhận lực lượng 31.000 cảnh sát trong TP không thể chấm dứt được cuộc bất ổn xã hội chưa có tiền lệ này. Theo ông Tang, đợt biểu tình sáu tháng qua không chỉ là vấn đề luật pháp và trật tự, đồng thời kêu gọi sự giúp sức của người dân Hong Kong để giải quyết.
600 người biểu tình từ Trường ĐH Bách khoa đã nộp mình cho cảnh sát, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết trưa 19-11. |
Bà Lâm để mở khả năng nhờ bên ngoài giúp
Trưa 19-11, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đổ lỗi người biểu tình đã leo thang tình hình: “Các trường đại học giờ trở thành các nhà máy vũ khí… và giống như các chiến trường huấn luyện quân sự”.
Bà Lâm cũng nói thêm cảnh sát vẫn đang tích cực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Bà Lâm nói bà đã đưa ra hai nguyên tắc với cảnh sát khi xử lý tình hình, đó là cố gắng giải quyết sự việc một cách hòa bình và đối xử nhân đạo với người bị thương, người biểu tình vị thành niên.
Bà Lâm cũng đề cập đến chuyện binh sĩ Trung Quốc đại lục xuất hiện dọn dẹp đường phố Hong Kong chiều 16-11, cho rằng đây “không phải là điều bất thường”.
Khi được CNN hỏi liệu bạo lực leo thang tới mức độ nào thì Hong Kong sẽ kêu gọi tiếp viện từ Trung Quốc, bà Lâm nói đến lúc này chính quyền vẫn “rất tự tin có thể tự mình giải quyết tình hình”.
Tuy nhiên, bà Lâm cũng nói các tình huống như ở Trường ĐH Bách khoa rất phức tạp, và nếu người biểu tình tiếp tục “tàn phá Hong Kong từ nơi này đến nơi khác” cũng như tiếp tục “sản xuất vũ khí tấn công thêm nữa” thì chính quyền Hong Kong có thể quyết định cần đến sự giúp sức từ bên ngoài.
Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi cảnh sát hành động chừng mực, cân xứng với người biểu tình, tôn trọng các quyền tự do cơ bản của người dân Hong Kong, trong đó có quyền tập hợp hòa bình. EU kêu gọi điều tra toàn diện về tình hình bạo lực, về việc sử dụng vũ lực và về các nguyên nhân gốc rễ của cuộc biểu tình. EU đề nghị chính quyền Hong Kong không hoãn cuộc bầu cử địa phương dự kiến diễn ra vào ngày 24-11. Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố “cực kỳ quan ngại sự leo thang bạo lực của cả hai bên, đề nghị tất cả các bên đối thoại chính trị để tháo ngòi căng thẳng. Phái bộ ngoại giao Trung Quốc ở EU phản đối mạnh tuyên bố của EU, kêu gọi EU chấm dứt có các phát ngôn vô trách nhiệm và sai trái, ngừng can thiệp chuyện nội bộ Hong Kong. Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đổ lỗi người biểu tình đã tháo ngòi “khủng bố đen”, đề nghị các chính trị gia Anh lên án mạnh hơn nữa các ý kiến kêu gọi độc lập cho Hong Kong. Ông Lưu nói Trung Quốc có “quyết tâm và sức mạnh” để chấm dứt bất ổn ở Hong Kong nếu cần thiết. |