Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 24-6, tân Tham mưu trưởng lực lượng không quân Thái Bình Dương Mỹ - Đại tướng Charles Brown Jr. đã đưa ra nhiều bình luận đáng chú ý về cục diện đối đầu Mỹ - Trung Quốc (TQ) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và các hành vi quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh tại Biển Đông nói riêng.
“Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương luôn là mặt trận chiến lược và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất trên thế giới. Việc giữ được khu vực này tự do và rộng mở là ưu tiên hàng đầu của toàn bộ lực lượng quân sự Mỹ từ Bộ Quốc phòng đến Bộ tư lệnh Không quân Thái Bình Dương. Chỉ khi chúng ta làm được điều này mới có thể đảm bảo lợi ích chính đáng của các quốc gia ở đây” - ông Brown Jr. nhấn mạnh.
Mỹ sẵn sàng nếu Trung Quốc muốn leo thang
Theo Đại tướng Brown Jr., TQ gần đây có dấu hiệu tăng cường các hoạt động quân sự ngoài thực địa như liên tục điều tiêm kích J-20 hay máy bay ném bom tầm xa Xian H-6 bay tuần tra trên biển.
“Hiện tượng này thật sự đáng chú ý do trong quá khứ các lực lượng Mỹ rất hiếm khi bắt gặp các máy bay TQ. Chúng tôi đang tập trung tìm hiểu năng lực tác chiến của quân đội TQ hiện đến mức nào cũng như ý đồ sắp tới của họ. Dựa vào các kết quả thu được, chúng tôi sẽ tổ chức bố phòng răn đe hiệu quả nhằm trấn an các đồng minh, đối tác ở đây” - ông Brown Jr. nói.
Vị tướng này cũng cho biết không quân Mỹ đang hết sức đề phòng thông tin TQ đang xúc tiến kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Hồi tháng 5, tờ South China Morning Post dẫn một nguồn tin nội bộ quân đội TQ cho biết Bắc Kinh thực chất đã lên kế hoạch lập ADIZ (trái phép) ở Biển Đông từ năm 2010 và đang chờ thời cơ thích hợp để tuyên bố. ADIZ dự kiến sẽ bao phủ toàn bộ khu vực quần đảo Đông Sa (hiện do Đài Loan kiểm soát) và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Tướng Brown Jr. cảnh báo nếu Bắc Kinh thành công, không chỉ hoạt động của không quân Mỹ bị ảnh hưởng mà toàn bộ các giá trị như tự do hàng hải, tự do không phận cũng sẽ sụp đổ hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc thiết lập ADIZ của TQ đi ngược lại với luật pháp quốc tế, thể hiện rõ tham vọng của giới lãnh đạo Bắc Kinh về lãnh thổ, bất chấp lợi ích chung.
Sắp tới, Bộ tư lệnh Không quân Thái Bình Dương sẽ tập trung triển khai các công nghệ quân sự cải tiến mới nhằm tăng cường năng lực đối trọng TQ. “Chúng tôi đã đạt được bước tiến đáng kể trong công nghệ tên lửa tầm xa và sẽ sẵn sàng triển khai hàng loạt công nghệ này trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm loại mìn bay thế hệ mới Quickstrike. Do đó, tôi có thể đảm bảo với các bạn là Mỹ có đủ năng lực tác chiến và răn đe trước bất kỳ mối đe dọa nào” - Đại tướng Brown Jr. tuyên bố.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ di chuyển ở Biển Đông vào tháng 10-2019. Ảnh: AFP
Đánh giá cao hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt
Khi được hỏi về cơ hội siết chặt hợp tác quốc phòng song phương với Việt Nam, Đại tướng Brown Jr. khẳng định đây là lĩnh vực mà ông đánh giá cao trong quan hệ hai nước.
9.500 lính Mỹ chuẩn bị rút khỏi Đức sẽ được điều sang làm nhiệm vụ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tăng cường lực lượng đối đầu với TQ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ROBERT O’BRIEN cho biết |
Đáng chú ý, bình luận của tướng Brown được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink tuyên bố Mỹ kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam trong giải quyết các vấn đề ở Biển Đông, tại cuộc họp báo kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ song phương hôm 22-6.
Đại sứ Kritenbrink khẳng định Washington trong tương lai gần sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác hỗ trợ, tăng cường năng lực quốc phòng của các nước đối tác, đồng minh trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Nguy cơ xung đột Mỹ-Trung tăng cao Tờ South China Morning Post ngày 24-6 dẫn bình luận của Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông (TQ) Wu Shicun khẳng định nguy cơ xung đột giữa Mỹ và TQ đang ở mức báo động, nhất là sau khi tàu chiến hai nước suýt tông vào nhau ở Biển Đông hồi tháng 9-2018. Thời điểm đó tàu khu trục Lan Châu của TQ đã áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ khi tàu này đang tuần tra gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Từ đó trở đi, hai bên liên tục đối đầu nhau trên nhiều lĩnh vực và việc mất lòng tin vào nhau đã khiến các kênh liên lạc của hai nước gần như đóng băng. Nếu tình hình vượt quá tầm kiểm soát, một cuộc khủng hoảng xảy ra và tác động của nó sẽ không thể lường trước được. Do đó, lãnh đạo Mỹ, Trung cần phải đối thoại càng sớm càng tốt” - theo ông Wu. |