Ứng viên Nobel Hòa bình 2021: Ông Biden, ông Navalny, và ai nữa?

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen sẽ công bố giải Nobel Hòa bình 2021 – giải thưởng được nhiều người coi là danh giá nhất thế giới – vào lúc 11 giờ CEST (tức 16 giờ Hà Nội) ngày 8-10 tại Viện Nobel Na Uy ở thủ đô Oslo, Na Uy.

Năm 2020, giải thưởng Nobel Hòa bình vinh danh Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) với các nỗ lực chống nạn đói, góp phần mang lại hòa bình ở các khu vực bị ảnh hưởng vì xung đột, nỗ lực chống lại việc lợi dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và xung đột.

Ứng viên giải Nobel Hòa bình năm 2021 danh giá gồm những ai? Ảnh: SPUTNIKNEWS

Hàng loạt dự đoán về chủ nhân giải thưởng năm nay đã xuất hiện, trong bối cảnh 2021 là một năm nhiều biến động lớn khi thế giới phải đối mặt đại dịch COVID-19, trải qua hàng loạt thảm họa thời tiết, cho đến những bất ổn kinh tế, xã hội.

Trước thềm buổi lễ trao giải, tờ The Washington Post và tạp chí TIME điểm qua một số ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Hòa bình năm nay.

Sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX)

Trong bối cảnh các quốc gia giàu có chi phối thị trường vaccine, chương trình COVAX – tức Sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu – nổi lên như một cơ chế nhằm đảm bảo việc tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19 cho các nước trên thế giới.

COVAX - do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (Gavi) và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) đồng sáng lập và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) là đối tác thực hiện - kể từ tháng 1 đã phân phối hơn 311 triệu liều vaccine COVID-19 cho 143 quốc gia.

Sáng kiến COVAX. Ảnh: UNICEF

Theo The Washington Post, tuy COVAX đến nay chưa đạt được mục tiêu phân bổ hai tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021, song một chiến thắng dành cho COVAX sẽ phù hợp, đúng với tinh thần vinh danh những nỗ lực tốt và biểu tượng của hy vọng - hướng tới những thành tựu trong tương lai.

Gắn bó sâu sắc với sáng kiến COVAX là WHO và người đứng đầu tổ chức này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.

WHO đã không ngừng duy trì các cuộc họp cấp cao và các cuộc họp báo trong bối cảnh đại dịch, đóng vai trò như một tiếng nói toàn cầu trong bối cảnh sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine vẫn tồn tại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Những ngày đầu tiên sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký hàng chục sắc lệnh hành pháp, bao gồm tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump đã rút khỏi vào năm 2020, hay tạm dừng việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: NHÀ TRẮNG

Theo TIME, việc các tổng thống Mỹ đạt giải Nobel Hòa bình không phải là chuyện lạ. Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama được vinh danh trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống.

Dấu ấn lớn nhất đối với ông Biden là việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 8. Ông Biden được cho đã dứt khoát với quyết định rút quân của mình, bất chấp lo ngại của quốc tế.

Nhà hoạt động về biến đổi khí hậu Greta Thunberg

Nhà hoạt động vì khí hậu 18 tuổi người Thụy Điển - cô Greta Thunberg – được đánh giá là ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Hòa bình năm nay trong bối cảnh thế giới trải qua hàng loạt thảm họa thời tiết chết người, từ những đợt nắng nóng làm tan chảy nhựa đường cho đến lũ quét và cháy rừng không thể lường trước được.

Năm 2019, cô Thunberg - người khởi xướng phong trào biểu tình “Thứ Sáu vì tương lai” – đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận với bài phát biểu “How Dare You” (tạm dịch: Sao các vị dám?) tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại New York. Từ đó đến nay, nhà hoạt động này là ứng viên cho giải Nobel Hòa bình hàng năm.

Nhà hoạt động về biến đổi khí hậu Greta Thunberg. Ảnh: THE GUARDIAN

Mới đây, nhà hoạt động trẻ tuổi tại hội nghị thượng đỉnh Youth4Climate hồi tháng 9 đã một lần nữa có phát ngôn nhằm vào các nguyên thủ quốc gia, lên án những “lời hứa suông” và “thiếu hành động” của họ trong chống biến đổi khí hậu.

“Những từ nghe có vẻ tuyệt vời nhưng cho đến nay vẫn chưa dẫn đến hành động. Những hy vọng và tham vọng của chúng tôi chìm trong những lời hứa suông của họ” – nhà hoạt động này phát biểu.

Báo cáo mới nhất của Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu được công bố hồi tháng 8 cảnh báo rằng những thay đổi môi trường thảm khốc do loài người gây ra hiện nay là không thể tránh khỏi và không thể đảo ngược.

Trong bối cảnh đó, việc trao giải Nobel Hòa bình 2021 cho nhà hoạt động Thunberg sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những người tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11 rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất mà nhân loại hiện phải đối mặt.

Nhân vật đối lập người Nga Alexei Navalny

Là một trong những nhân vật đối lập có ảnh hưởng nhất đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà hoạt động và nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đã được giới học thuật đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2021 vì nỗ lực chống tham nhũng ở Nga.

Nhân vật đối lập người Nga Alexei Navalny. Ảnh: AP

Ông Navalny bị bắt hồi tháng 1 sau khi trở về Nga lần đầu tiên sau khi "bị đầu độc” vào tháng 8-2020 ở Siberia với chất độc mà nhiều nước phương Tây cho là chất độc thần kinh Novichok.

Tòa án Nga ngày 2-2 tuyên án ông Navalny ba năm sáu tháng tù, nhưng luật sư của ông cho biết ông chỉ phải ngồi tù hai năm tám tháng vì đã bị quản thúc tại gia trước đó.

Ông Navalny được biết đến với những lời kêu gọi các chính phủ phương Tây có lập trường cứng rắn hơn đối với các cường quốc tham nhũng, đồng thời chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu vì đã gây tổn hại cho công dân Nga.

Những cái tên khác

Trong số những ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Hòa bình năm nay còn có các nhân vật đối lập như thủ lĩnh đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya; các cá nhân, tổ chức hoạt động vì nhân quyền như nhà hoạt động Hong Kong Nathan Law, nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohticác hay tổ chức nhân quyền B'Tselem của Israel và Trung tâm Nhân quyền Palestine.

Ngoài ra, theo TIME, một số ứng viên khác còn có cơ quan giám sát tự do báo chí Ủy ban Bảo vệ Nhà báo và Phóng viên Không biên giới, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ); phong trào Black Lives Matter vì giúp toàn cầu thêm nhận thức về sự phân biệt chủng tộc có tính hệ thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm