Quy định phạt người xúc phạm học sinh, giáo viên: Cần thiết
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Điều 26 và Điều 28 Nghị định 04/2021 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục) quy định phạt 5-10 triệu đồng nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục; hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học. Nghị định cũng quy định biện pháp buộc khắc phục hậu quả là xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-3 tới.
Thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm?
Đây là quy định được đánh giá là tiến bộ, cần thiết và kịp thời trong môi trường giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và các quy định liên quan hiện nay ra sao.
Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì danh dự là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp. Nhân phẩm là phẩm giá và giá trị con người.
Hiến pháp 2013 và BLDS 2015 quy định mọi người được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm; không bị bất kỳ hình thức đối xử nào xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm. Danh dự, nhân phẩm của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ và là một trong những quyền về nhân thân.
Luật Giáo dục 2019 ghi nhận các quyền và nghĩa vụ của giáo viên và học sinh, trong đó có quyền được tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm.
Theo luật sư (LS) Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn LS TP.HCM, khoản 4 Điều 70 Luật Giáo dục quy định một trong những quyền của nhà giáo là được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Khi người nào đó (người dân, giáo viên, sinh viên, phụ huynh..) có lời nói hoặc hành động làm tổn thương, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của nhà giáo là vi phạm. Chẳng hạn như nói xấu, chửi mắng, nói không đúng sự thật nhằm mục đích hạ uy tín, danh dự, nhân phẩm của giáo viên.
Tại Điều 82 luật này quy định người học có nhiệm vụ rèn luyện theo quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục; tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục. Điều 89 cũng quy định về trách nhiệm của nhà trường phải thực hiện quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội bảo đảm an toàn cho người dạy và người học. Điều 90 quy định trách nhiệm của gia đình là phải tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo.
Người học cũng phải được tôn trọng
Cô Hoàng Ái Hằng, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM, cho rằng quy định này cần đặt trong các mối quan hệ khác nhau.
Trong quan hệ giáo viên - học sinh, nhiều khi học sinh cào bằng vị trí với giáo viên, sai mà không sửa dù được góp ý. Học sinh có thể cho rằng mình đã đủ lớn, phản biện thái quá với thầy cô dẫn đến vô lễ. Trường hợp này học sinh sẽ bị xử phạt bằng cách hạ hạnh kiểm, ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện.
Ảnh minh họa
Trong quan hệ giáo viên - phụ huynh, nhiều phụ huynh quá tin con em mình dẫn đến suy diễn, gọi điện thoại, thậm chí xộc đến trường lớn tiếng và có lời lẽ thô tục với thầy cô. Việc này cũng làm hạ uy tín chính phụ huynh đó, đồng thời làm tổn thương tâm lý, tình cảm và sự tôn nghiêm của nghề giáo.
Cũng theo cô Ái Hằng, thực tế cũng có nhiều tình huống giáo viên lạm quyền khi nói, làm ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của học sinh, thậm chí xúc phạm đến nhân cách người học. Trong trường hợp này, lời nói xúc phạm của người thầy làm giảm giá trị và sự ảnh hưởng tích cực đến học sinh.
Cũng có trường hợp giáo viên lạm dụng việc mời phụ huynh đến trường khi con họ vi phạm và nói những ý thiếu tế nhị, dẫn đến bất đồng quan điểm giáo dục. Điều này dễ xảy ra mâu thuẫn và xúc phạm lẫn nhau, mất sự tôn nghiêm trong môi trường sư phạm. Do đó, việc bảo vệ nhân phẩm, uy tín của giáo viên hay học sinh cũng quan trọng như nhau.
Ở góc độ pháp lý, LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội LS bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, phân tích Điều 83 Luật Giáo dục 2019 quy định người học có quyền được nhận sự tôn trọng. Họ được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh…
“Không ít trường hợp người học bị giáo viên xúc phạm bằng lời lẽ khiếm nhã, mất kiểm soát, làm hạ uy tín của phụ huynh, học sinh như “Học hành không ra gì thì nghỉ đi làm thuê, làm mướn đi”; hoặc học sinh vô tình làm văng ruột viết lên bàn giáo viên, vậy là lập tức bị đuổi ra khỏi lớp dù học sinh đã nhận sai” - LS Nữ nói.
Phụ huynh kiện giáo viên vì bắt học sinh ngậm bút
Ngày 28-8-2020, TAND huyện Châu Thành (Hậu Giang) xử vụ ông Hồ Văn Vũ kiện thầy giáo lớp 3 của con mình ở Trường Tiểu học Phú Hữu 2. Ông Vũ cho rằng thầy đã vô cớ bắt con phải khoanh tay, ngậm viết cho đến hết buổi học làm cháu không học được và tinh thần hoang mang. Hôm sau, hết buổi dạy, thầy còn mời ba giáo viên cùng trường đến để nghe thầy chất vấn em học sinh này trước lớp.
BV Tâm thần TP Cần Thơ chẩn đoán em học sinh bị rối loạn ám ảnh sợ ở trẻ em. Trung tâm Pháp y tỉnh Hậu Giang chẩn đoán em bị ám ảnh lo sợ chuyên biệt. Từ đó ông Vũ khởi kiện yêu cầu ông Thiện phải bồi thường gần 21 triệu đồng. Xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Thành đã bác đơn khởi kiện vì hành vi của ông Thiện không dẫn đến hậu quả làm cho học sinh bị bệnh. Hiện ông Vũ đã kháng cáo bản án sơ thẩm.
Giáo viên kiện phụ huynh cho rằng bị xúc phạm
Cô giáo Phạm Thị X. ở tỉnh Phú Yên khởi kiện yêu cầu các phụ huynh phải công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm. Cô X. cho rằng tại cuộc họp lớp, nhiều phụ huynh đặt điều làm mất danh dự và uy tín của cô. Các phụ huynh thì cho rằng theo lời của con thì tay và lưng bị bầm là do cô đánh nên có đến gặp ban giám hiệu nhà trường để trình bày. Tại cuộc họp, phụ huynh có góp ý mang tính xây dựng, không nhằm xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cô giáo.
Năm 2018, hai cấp tòa ở Phú Yên đều bác đơn kiện của cô X. vì theo biên bản họp thì các ý kiến này chỉ xoay quanh vấn đề góp ý cách thức giáo dục của cô X. và đề nghị nhà trường có biện pháp. Các ý kiến này phù hợp quy định của Luật Giáo dục về quyền của cha mẹ học sinh và cũng không phát sinh thiệt hại đối với cô giáo trên thực tế vì cô không bị kỷ luật.