Sáng 6-1, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch).
Đây là một vấn đề lớn theo Luật Quy hoạch 2017 được QH giám sát tối cao và trung ương mới đây cũng cho ý kiến. Lần này được trình ra QH với nhiều hy vọng QH sẽ thông qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Cần phải chọn phương án tăng trưởng cao để tạo vị thế cho Việt Nam khi hội nhập quốc tế…”. Ảnh: NTN |
Quy hoạch phải khả thi
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá quy hoạch được chuẩn bị công phu, có nhiều nét lớn đột phá, lồng ghép được nhiều quy hoạch, kể cả không gian ngầm nhưng ông khuyến nghị cần bổ sung trục hành lang Mộc Bài - TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu vào trục hành lang đường bộ Đông - Tây để có thể phù hợp với hành lang kinh tế biển qua huyện Cần Giờ.
“Quy hoạch phải khả thi, làm rõ nguồn lực để thực hiện; phải theo nguồn lực của Việt Nam (VN), đừng vẽ to, hoành tráng như New York, Paris rồi không làm được.
Đầu tư công hiện nay có hạn, còn dàn trải. Cạnh đó, đầu tư hiện chưa tạo ra và nuôi dưỡng được nguồn thu nên nguồn lực từ đó cũng hạn chế” - ông Ngân lưu ý.
Đại biểu Nguyễn Xuân Phúc (TP.HCM), Chủ tịch nước, tán thành tầm nhìn của quy hoạch tới 30 năm và lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng phải được thể hiện trong quy hoạch. “Nếu chúng ta chậm, không cập nhật những kiến thức, công nghệ hằng tháng thì sẽ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn, là yếu tố quyết định cho sự phát triển, cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia” - Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cho rằng: Thế giới đã có kinh nghiệm về quy hoạch và VN cần đi tắt đón đầu trong thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng để thực hiện các chiến lược, kịch bản tăng trưởng.
Chủ tịch nước cũng đồng tình quy hoạch phải có những hành lang mới, đậm nét hơn, trong đó có hành lang kinh tế Đông - Tây, gắn với các nước trong khu vực như Campuchia thì kết nối với Mộc Bài (Tây Ninh), TP.HCM hay Myanmar - Lào - Thái Lan - VN ra tới Biển Đông.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều đặc biệt với TP.HCM là khi làm quy hoạch từ kinh tế đến hạ tầng phải kết nối với các nước trong khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều đặc biệt với TP.HCM là khi làm quy hoạch từ kinh tế đến hạ tầng phải kết nối với các nước trong khu vực và thế giới.
Đến 2050, thu nhập tối đa 32.000 USD là… khó
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (TP Cần Thơ) nêu: Quy hoạch đặt ra mục tiêu năm 2030 sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao, khoảng 7.500 USD. Liên Hợp Quốc quy định thu nhập trung bình quốc gia trong khoảng 1.025-12.475 USD/người thì thuộc nhóm trung bình. VN ở nhóm “thấp” trong mức cao, vì mức cao của nhóm nước có thu nhập trung bình là 12.475 USD/người. Số nước thoát khỏi thu nhập trung bình rất ít.
Bản quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2050 thu nhập là 27.000-32.000 USD/người, tức trong 20 năm thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7.500 USD lên tới 32.000 USD. Theo ông Hùng, vượt qua bẫy trung bình đã khó, còn vượt qua mức trên là… rất thách thức. Ông Hùng nói: “Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng cho rằng cần đánh giá tính khả thi của các kịch bản tăng trưởng này và cần có các giả định về bối cảnh môi trường sẽ tác động đến việc thực hiện các kịch bản nói trên như thế nào. Hơn nữa, thời kỳ quy hoạch lên tới 30 năm thì cần đưa ra và đánh giá các yếu tố như chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, công nghệ và mô hình kinh doanh mới… Cạnh đó là những yếu tố tác động thường xuyên như lạm phát, tỉ giá, giảm phát…
Ông Đồng nói kịch bản tăng trưởng 7%/năm cho cả giai đoạn hiện nay đã bị ảnh hưởng và giai đoạn 2025-2030 cần phải tăng lên, đạt mức 7,6%-7,8% là… cao quá. Từ đó, ông Đồng cho rằng cần phải chỉ ra mối liên hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia và việc thực hiện kịch bản này thế nào, sẽ đóng vai trò cụ thể gì để tạo được những đột phá, động lực hay tạo những trụ cột chính nào cho tăng trưởng…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thì cho rằng cần phải chọn phương án tăng trưởng cao, bởi chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.•
Cần chắt lọc kinh nghiệm quốc tế
Đại diện cơ quan hoạch định quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng có một số phát biểu giải trình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Quy hoạch là một cải cách rất lớn, sự thay đổi về tư duy, cách tiếp cận nhằm khắc phục sự phân tán trong các quy hoạch như trước đây.
Hàng ngàn quy hoạch trước đây nay đã được tích hợp và đến quy hoạch tổng thể thì còn sáu vùng, trong đó quy hoạch ĐBSCL đã hoàn thành, công bố và triển khai. Năm quy hoạch còn lại cũng đang cố gắng hoàn thiện trong năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Quy hoạch tổng thể quốc gia rất quan trọng, là nền tảng để dẫn dắt các quy hoạch khác. Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa là điểm mới, khó nhưng lại rất cần thiết và cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện đúng theo Luật Quy hoạch và các nghị quyết của Trung ương, QH.
Theo ông Dũng, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia là chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, kể cả kinh nghiệm quốc tế. “Chúng tôi đã đi nghiên cứu rất nhiều, có nước lập, có nước không lập, có nước lập kiểu này, có nước lập kiểu kia phụ thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi nước trong từng thời kỳ. Chúng ta không thể lấy mô hình của nước nào để áp vào VN. Malaysia làm tốt, hay là Hàn Quốc làm tốt trong điều kiện của họ.
Chúng ta là người hiểu chúng ta nhất, không ai hiểu chúng ta bằng chúng ta. Thế nên kinh nghiệm quốc tế là để tham khảo chắt lọc nhưng phải áp vào điều kiện thực tế của VN chứ không thể đi thuê một ông nước ngoài vào làm quy hoạch VN” - Bộ trưởng Dũng giải thích.
Ông cũng cho rằng VN chỉ lấy tư tưởng, phương pháp, cách tiếp cận quy hoạch của các nước chứ không bê mô hình của một nước nào vào được.