Nhiều quy hoạch đang chờ quy hoạch tổng thể quốc gia

(PLO)- Các đại biểu nhìn nhận quy hoạch tổng thể quốc gia là khó nhưng rất cấp bách, phải hoàn thiện để định hướng cho quy hoạch cấp dưới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây được xem là nội dung quan trọng nhất tại kỳ họp bất thường lần thứ hai của QH, dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 1-2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch. Ảnh: T.THẮNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch. Ảnh: T.THẮNG

Bốn nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề phức tạp, rất khó, hồ sơ lên tới cả ngàn trang.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu bốn nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.

Thứ nhất, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Thứ ba, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao...

Thứ tư, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Các đại biểu góp ý để hoàn thiện về quy hoạch tổng thể quốc gia. Từ trái sang: Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: T.THẮNG

Các đại biểu góp ý để hoàn thiện về quy hoạch tổng thể quốc gia. Từ trái sang: Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: T.THẮNG

Thiếu “tổng chỉ huy” thực hiện quy hoạch vùng

Đánh giá hồ sơ đã được Chính phủ, đặc biệt là Bộ KH&ĐT chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tuy nhiên, các ý kiến nêu tại phiên họp thống nhất cho rằng đây là nhiệm vụ quá khó.

Vì “quá khó” và “chưa từng có tiền lệ” nên còn nhiều vấn đề cần được làm rõ, để khi trình QH thì tương đối rõ hình hài không gian phát triển của đất nước đến năm 2030 và năm 2050 sẽ như thế nào.

Đáng chú ý, nêu ý kiến về định hướng đối với quy hoạch, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị lưu ý ba nội dung.

Thứ nhất, quy hoạch theo các phân khu và vùng lãnh thổ. Ông Hùng dẫn chứng Trung Quốc chia thành bốn phân khu, từ đó triển khai các quy hoạch chi tiết từng phân khu một, chỗ nào bảo hộ nghiêm ngặt, chỗ nào phát triển có hạn chế, chỗ nào phát triển tự do...

Thứ hai, quy hoạch các đô thị. “Các nước rất coi trọng quy hoạch đô thị, các trung tâm kinh tế lớn” - ông Hùng cho rằng đây sẽ là động lực phát triển cho cả một quốc gia.

Ông Hùng lưu ý nên tập trung vào quy hoạch đô thị, xác định chúng ta phát triển các đô thị nào, mức độ đến đâu. Với mỗi quy hoạch đô thị cần làm rõ không gian ngầm và không gian trên không như thế nào vì điều này liên quan đến mật độ, hệ thống giao thông, các tiện ích của người dân...

Hiện nay chúng ta đã có sáu vùng kinh tế nhưng đang thiếu “tổng chỉ huy”, không có một địa chỉ cụ thể để chịu trách nhiệm triển khai thì sẽ rất khó thực hiện quy hoạch vùng.

Thứ ba là quy hoạch theo các vùng kinh tế. “Hiện nay chúng ta đã có sáu vùng kinh tế rồi. Tuy nhiên, tôi thấy đang thiếu vắng một địa chỉ cụ thể làm “tổng chỉ huy” thực hiện quy hoạch vùng. Chúng ta không có chính quyền vùng, do đó nếu chúng ta chỉ đưa ra quy hoạch mà không có một địa chỉ cụ thể để chịu trách nhiệm triển khai các quy hoạch này thì sẽ rất khó thực hiện” - ông Hùng nhận xét.

Việc thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất cấp bách. Theo yêu cầu của QH, năm 2022 có thể không hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch nhưng phải xong quy hoạch tổng thể để định hướng, dẫn dắt các quy hoạch cấp dưới.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH

Lưu ý kết nối khu vực và thế giới

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, các tỉnh đều có xu hướng “cục bộ địa phương”. Tính kết nối là của vùng nhưng vùng không có chính quyền thì việc triển khai chỉ đạo sẽ rất khó. “Cần làm rõ ai sẽ là người chỉ đạo triển khai các quy hoạch cụ thể ở đây” - ông Hùng nhấn mạnh.

Ông nhận định là chưa thấy có sự kết nối giữa các trục kinh tế, hành lang kinh tế, các vùng kinh tế của chúng ta với khu vực.

“Chúng ta không chỉ quy hoạch trong nội bộ của chúng ta mà còn phải có những kết nối với hành lang kinh tế của các nước xung quanh, hay của các khu vực khác trên thế giới...” - vẫn lời ông Hùng.

Nói về các “vùng động lực”, ông Hùng cho rằng cũng nên lưu ý. Ông dẫn chứng ở Anh, trung tâm về tài chính - ngân hàng chỉ đặt ở London là chính, còn đổi mới sáng tạo gắn với các trung tâm nghiên cứu lớn như ĐH Cambridge, ĐH Oxford chứ không nằm ở London.

Ở Trung Quốc, trung tâm tài chính của họ chỉ nằm ở Thượng Hải chứ không có mấy TP cùng lúc làm chức năng lớn như vậy được. Mỹ cũng vậy, trung tâm tài chính nằm ở Phố Wall - New York, không thể ở Washington...

Nhận diện đầy đủ không gian phát triển

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan trình cần rà soát thể hiện đầy đủ, đúng thực trạng việc tổ chức không gian phát triển của đất nước để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia.

Ông lưu ý các bất cập của việc tổ chức không gian phát triển đất nước thời gian qua. Cụ thể, không gian phát triển vẫn bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng còn hạn chế; chưa hình thành được các vùng kinh tế trọng điểm quy mô lớn, chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ nét các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Đặc biệt, “bộ khung” kết cấu hạ tầng quốc gia chậm được hình thành. Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, chất lượng đô thị chưa cao, tác động lan tỏa của khu vực đô thị còn hạn chế...

“Cần nhận diện đầy đủ các bất cập này để có định hướng, giải pháp phù hợp đưa vào nghị quyết của QH” - ông Hải nhấn mạnh.

Ông Hải cho rằng cần xác định mức độ thể hiện các nội dung trong quy hoạch tổng thể quốc gia để không tự “bó cứng” trong quá trình thực hiện nhưng phải cụ thể đạt được mức độ là căn cứ, định hướng cho quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.

“Quy hoạch tổng thể quốc gia không chồng lấn vào phạm vi của các quy hoạch cấp dưới nhưng phải cụ thể, chi tiết đủ để làm định hướng, căn cứ cho quy hoạch cấp dưới” - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nói.•

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch tổng thể quốc gia

Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại...

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Tầm nhìn đến năm 2050: Là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hòa, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh...

Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70%-75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm