Sáng 12-4, tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Dương tổ chức diễn đàn Khuyến nông - Nông nghiệp "Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Nam”.
Diễn đàn với sự tham gia của ban ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi và đại diện nông dân các tỉnh phía Nam.
Theo Cục Chăn nuôi, trong năm 2015 và hai tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra có 58/1893 cơ sở có vi phạm chất cấm (chiếm 3,1%). Tỉ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh ở gia súc, gia cầm đã giảm song còn diễn biến phức tạp.
Thuốc an thần cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện khi chủ cơ sở tiêm cho heo trước khi giết mổ.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, trong năm 2016 sẽ quyết tâm chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Vì vậy phải đấu tranh với chất cấm, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương là rất cần thiết. Đối với công tác tuyên truyền cần phải triển khai một cách phổ biến, có trọng tâm, trọng điểm, có thông điệp rõ ràng. Công tác thanh kiểm tra cần được triển khai bằng hình thức kiểm tra đột xuất để tập trung nguồn lực thanh tra, kiểm tra hiệu quả....
“Theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016, người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể phải lãnh nhiều mức án tù, mức tù cao nhất có thể lên đến 20 năm. Vì vậy bà con nông dân, chủ các cơ sở chăn nuôi phải nói không với chất cấm” - ông Việt kêu gọi.
Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, trong danh mục các hóa chất cấm như các chất Clenbuterol, Sabultamol và Ractopamine được sử dụng phổ biến nhất. Clenbuterol là chất nguy hiểm nhất. Các chất này gây ngộ độc cấp tính và mạn tính với các triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp, nguy cơ sẩy thai. Mạn tính dẫn đến rối loại hệ thống hormone của cơ thể, gây nhiễm độc gan, gây đột biến và có thể ung thư. |