Ra đi để trở về

Những năm gần đây các văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới ca nhạc sĩ hầu hết đã trở về. Những người lớn tuổi thì chuyện trở về có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Những ngày cuối đời về lại với quê cha đất tổ, cống hiến được chút gì còn lại cũng là điều đáng quý.

Có thể kể trường hợp điển hình là hai lão nhạc sĩ Trần Văn Khê và Phạm Duy. GS-TS Trần Văn Khê ra đi từ thuở đầu xanh, vừa đi học tập nghiên cứu nhằm bổ sung cho âm nhạc Việt, vừa mang nhạc dân tộc giới thiệu với bè bạn năm châu. Qua tuổi 70, ông trở về, được mọi người hân hoan chào đón, được chính quyền TP.HCM cấp một căn biệt thự, ông sống thanh thản trong những ngày cuối đời. Năm nay đã ngoài 90 nhưng GS Trần Văn Khê vẫn còn rất minh mẫn và vẫn còn có nhiều ý kiến đóng góp cho âm nhạc dân tộc tại nhiều cuộc hội thảo, liên hoan âm nhạc (Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại có phần đóng góp không nhỏ của GS-TS Trần Văn Khê). Trường hợp lão nhạc sĩ tài danh Phạm Duy thì khác. Ông ra đi sau ngày 30-4-1975. Ở nước ngoài có khi Phạm Duy còn tuyên bố này nọ nhưng tận sâu thẳm đáy lòng lúc nào ông cũng ray rứt thương nhớ quê hương, như lời tâm sự của ông với người viết khi lần đầu ông về thăm quê gần 20 năm trước. Đến những năm cuối đời, ông mới đạt được ước nguyện là trở về sống và nằm lại trên quê hương!

Với nhiều văn nghệ sĩ trình diễn thì về thăm quê hương và người thân cũng là để tìm môi trường biểu diễn. Bởi đã là nghệ sĩ trình diễn thì đối tượng chính là khán thính giả. Mà ở nước ngoài dù ở nơi tập trung đông người Việt nhất cũng không thể nào bằng trong nước. Dù là ca sĩ nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 hay ca sĩ mới định danh ở hải ngoại sau này, đã định cư lâu năm ở nước ngoài, vẫn muốn “đem chuông về đánh ở quê nhà”, phần là để nhắc nhớ những người hâm mộ xưa và nay, cũng như để kiếm thêm thu nhập và tạo sự giao lưu cần thiết với bà con trong nước. Có danh ca dù rất nổi tiếng trước 1975 nhưng họ về nước âm thầm để thăm quê và bà con hay để làm từ thiện, như trường hợp ca sĩ Phương Dung. Chị rời quê hương theo chồng định cư ở nước ngoài từ năm 1974. Từ năm 1999 đến nay, Phương Dung thường xuyên về nước làm từ thiện, chị là một trong những người sáng lập hội See the Light giúp đỡ các bệnh nhân nghèo mổ mắt. Phương Dung về nước nếu có tham gia các chương trình ca nhạc thì tiền thù lao cộng với tiền túi và tiền các con cho chị dồn hết vào làm từ thiện mổ mắt, xây nhà tình thương, giúp đỡ nạn nhân bão lụt… Các ca sĩ hải ngoại nổi tiếng như Tuấn Ngọc, Elvis Phương hay Giao Linh, Chế Linh - hai thần tượng của giới bình dân ở miền Nam trước 1975, mấy năm gần đây cũng về nước biểu diễn. Mới nhất trường hợp ca sĩ Khánh Ly mới chuẩn bị về nước biểu diễn nhưng những người tổ chức đã vội PR ráo riết, có lẽ sợ “bể sô” như năm ngoái vì chuyện kỳ kèo cát-sê mà tôi có nhắc đến trong Câu chuyện văn hóa trước đây...

Ra đi là để trở về nhưng cái cách ra đi cũng như trở về của các nghệ sĩ - những người của công chúng - nó cũng thể hiện nhân cách của mỗi người.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới