Trước mắt Bộ yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý lao động địa phương tập hợp cách thực hiện các chính sách về lương, phụ cấp, phúc lợi; kiến nghị của công nhân và cách xử lý của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ rà soát, điều chỉnh lại các văn bản, thông tư hướng dẫn sát thực tế, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp để hạn chế các vụ đình công.
“Những vấn đề nào còn tồn đọng, cần vận động doanh nghiệp, công đoàn cùng bàn bạc, thương lượng để tìm biện pháp tháo gỡ, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm” - ông Huân khuyến cáo.
Về tình trạng nhập nhằng giữa tiền lương, phụ cấp, phúc lợi được xem là nguyên nhân chính của các vụ ngưng việc, ông Huân cho rằng quy định hiện hành lương hay phụ cấp đều phải trích đóng BHXH. Vấn đề nổi lên ở đây là trước khi điều chỉnh các chính sách, doanh nghiệp và đại diện người lao động (công đoàn) có thỏa thuận, bàn bạc gì không hay tự động điều chỉnh các chính sách khiến người lao động bất bình.
Theo ông Huân, hiện đã có Thông tư 47 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì phát sinh thì điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế cách hiểu không rõ, không đầy đủ làm bùng phát các vụ tranh chấp lao động.
“Bộ đang giao vụ trưởng Vụ Lao động, tiền lương tiếp tục rà soát, đánh giá thực tiễn vừa qua có gì cần điều chỉnh sát thực tế. Đồng thời, tìm cách hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn và thu nhập người lao động còn thấp” - ông Huân chia sẻ.
Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách pháp luật BHXH Việt Nam, băn khoăn: Là cơ quan thực hiện các chính sách bảo hiểm, chúng tôi mong muốn các quy định về chính sách này thật chặt chẽ để doanh nghiệp không tìm ra kẽ hở để lách gây thiệt thòi cho người lao động. Bởi vậy, các chính sách về bảo hiểm cần phải quy định rõ ràng, minh bạch khoản nào buộc phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, khoản nào là phúc lợi.