Nhà Trắng đã phát đi thông báo mời Tổng thống Nga Putin đến Mỹ vào mùa thu năm nay. Thông tin này khiến các nhà lập pháp Cộng hòa, các quan chức hàng đầu Mỹ bất ngờ, đồng thời cho biết họ chưa được thông báo nội dung thảo luận riêng giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin tại thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Helsinki (Phần Lan) vừa qua.
Ông Trump và Putin đều lạc quan
Nói về cuộc gặp Tổng thống Trump tại Phần Lan với các quan chức ngoại giao Nga hôm thứ Năm (19-7), ông Putin thừa nhận quan hệ Mỹ-Nga “ở góc độ nào đó đã trở nên xấu hơn giai đoạn Chiến tranh lạnh”. Nhưng cuộc gặp giữa hai ông hồi đầu tuần này đã cho phép hai nước bắt đầu “một quá trình đi đến những thay đổi tích cực”. “Điều quan trọng là một cuộc gặp gỡ mang tính toàn diện cuối cùng cũng diễn ra, cho phép chúng tôi nói chuyện trực tiếp với nhau” - ông Putin nhấn mạnh.
Ông Putin bày tỏ quan ngại về “những thế lực không tên” rất mạnh ở Mỹ đang cố gắng ngăn cản những nỗ lực của hai nhà lãnh đạo trong việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ. “Chúng tôi nhận thấy có những thế lực ở Mỹ đã được chuẩn bị nhằm hủy hoại các mối quan hệ Nga-Mỹ vì tham vọng của họ trong cuộc chiến chính trị nội bộ nước Mỹ” - Reuters dẫn lời ông Putin. Dù vậy, ông Putin cho biết: “Nga vẫn mở cửa các kênh liên lạc với Mỹ”.
Dù đánh giá thượng đỉnh Helsinki thành công, ông Putin cũng lưu ý rằng việc nghĩ rằng những vấn đề tồn tại nhiều năm liền có thể được giải quyết trong khoảng vài giờ tại Phần Lan là rất “ngây thơ”.
Trong khi đó, ông Trump dường như cũng cùng nhìn nhận với ông Putin khi tuyên bố hội nghị thượng đỉnh Helsinki là một “thành công lớn”, bất chấp bị các quan chức lưỡng đảng chỉ trích đã đứng về phía Nga trong các cáo buộc Kremlin can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. “Thượng đỉnh với Nga là một thành công lớn, ngoại trừ đối với kẻ thù thật sự của nhân dân Mỹ - tin tức giả mạo” - ông Trump viết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) mời người đồng cấp Nga đến Mỹ vào cuối năm nay. Ảnh: REUTERS
Ông chủ Nhà Trắng cũng không giấu “mong chờ một cuộc gặp gỡ lần thứ hai” để Mỹ và Nga có thể bắt đầu thực hiện một vài trong số nhiều thứ mà cả hai đã thảo luận, bao gồm việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, vấn đề an ninh đối với Israel, vấn đề hạt nhân, tấn công mạng, thương mại, Ukraine, hòa bình ở Trung Đông và ở Triều Tiên,… “Có nhiều câu trả lời, một số thì dễ dàng còn một số thì gian nan đối với những vấn đề này. Nhưng tất cả đều có thể được giải quyết” - ông Trump bày tỏ sự lạc quan.
Rất khó khăn cho thượng đỉnh lần hai
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats nói rằng thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và ông Putin nếu diễn ra “sẽ rất đặc biệt”. Coats nói tại Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado rằng: “Tôi không biết những gì diễn ra tại hội nghị (ở Helsinki). Thời gian tới tổng thống sẽ đề cập đến nội dung hội nghị và chúng ta sẽ biết nhiều hơn. Tuy nhiên, tiết lộ hay không là đặc quyền của ông ấy” - Reuters dẫn lời Coats.
Coats, cũng như rất nhiều quan chức hàng đầu khác của Mỹ, đối đầu với quyết định của ông Trump về Nga. “Tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình”. Coats cũng cho rằng Nga là một quốc gia “nguy hiểm” có nỗ lực can thiệp vào các vấn đề chính sách của Mỹ, cảnh báo Washington phải “luôn cảnh giác” và “không nhân nhượng”.
Trong khi đó, nội dung cuộc gặp mặt riêng giữa hai nhà lãnh đạo đầu tuần này hiện vẫn gây tranh cãi. Phe Dân chủ nói rằng không nên có thêm bất kỳ cuộc gặp mặt riêng nào giữa ông Trump và ông Putin. “Cho đến khi chúng tôi có thể biết được những gì đang xảy ra tại cuộc gặp mặt kéo dài suốt hai giờ tại Helsinki, tổng thống (Trump) không nên có thêm bất kỳ cuộc nói chuyện riêng nào nữa với ông Putin ở Mỹ, ở Nga hay ở bất kỳ nơi nào khác” - thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer tuyên bố.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Dan Sullivan thuộc đảng Cộng hòa bình luận về lời mời ông Putin đến Mỹ vào cuối năm nay rằng: “Tôi sẽ không làm như vậy, điều đó thật sự tồi tệ”. Vị này nói thêm: “Nếu Nga muốn có một mối quan hệ tốt hơn với Mỹ, các chuyến thăm đến Nhà Trắng sẽ không giúp ích được gì”. Thay vào đó, theo Sullivan, Nga nên xem lại sự can dự với các nước láng giềng và với Mỹ.
Không dừng ở đó, làn sóng thông tin rằng ông Putin đang giữ những tài liệu quan trọng có thể ảnh hưởng đến ông Trump đang gia tăng. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng đó là lý do tại sao ông Trump tỏ ra thân thiện, thậm chí “lép vế” trước người đồng cấp Nga tại thượng đỉnh Helsinki.