Richard Linklater Sinh ra để làm phim khác người

Boyhood (tựa Việt: Thành niên) là bộ phim mới nhất của Richard Linklater vừa được công chiếu từ ngày 11-7 tại Mỹ. Bên cạnh việc đăng tải trailer phim này, hiện tại trang YouTube còn có đường link cập nhật trọn bộ phim. Ở đó đã có đầy đủ thông tin về bộ phim cùng màn hình cài dòng chữ: “Sẽ có mặt sớm nhất”.

Sự chờ đợi đáng đồng tiền bát gạo

Điểm nổi bật nhất ở phong cách làm phim của Linklater chính là việc ông thản nhiên phá vỡ mọi quy ước về thể loại phim nhằm đạt mục tiêu phim phải thật như chính đời sống, phim mà không phải phim. Ông sẵn sàng áp dụng thời gian thực tế vào phim, cuối cùng các bộ phim điện ảnh của ông lại có một hành trình của phim tài liệu. Trên thế giới trước nay chỉ có vài đạo diễn có đủ sự kiên nhẫn và tận tụy theo đuổi thời gian quay phim dài dằng dặc này, như Stanley Kubrick, Filippos Koutsaftis hay Lars von Trier.

Từ đôi mắt kỳ lạ, một trong trẻo, một u buồn của đạo diễn Richard Linklater là một tâm hồn trọn vẹn dành cho điện ảnh.

Vì lẽ đó bộ phim mới Boyhood của Linklater đã được quay trong suốt 12 năm qua, bắt đầu từ năm 2002. 12 năm là cần thiết bởi ông bận chờ cho diễn viên chính... lớn lên hay như ông nói: “Tôi muốn mọi thứ diễn ra thật tự nhiên”. Với quãng thời gian thực hiện kéo dài như vậy, Boyhood như một ống kính đặc tả lại cuộc đời của cậu bé Mason (Ellar Coltrane thủ vai) từ khi còn là một cậu bé sáu tuổi cho đến lúc lớn lên và trở thành một chàng trai tròn 18.

Trước Boyhood, Linklater nổi tiếng với bộ ba phim Before SunsetBefore Sunrise và Before Midnight và có cách làm việc tương tự. Hàng triệu khán giả si mê câu chuyện tình yêu của cặp đôi Jesse và Celine đã phát rồ và oán ghét Linklater bởi ông bắt họ phải chờ đợi đến chín năm từ Before Sunrise mới xem được Before Sunset. Và lại thêm chín năm nữa để khán giả theo hết bản tình ca bằng Before Midnight. 18 năm (từ năm 1995 đến năm 2013) để chờ đợi một tình yêu là quá dài đối với số đông nhưng với riêng Linklater thì hoàn toàn hợp lý, để cặp diễn viên chính của ông… già đi. 18 năm đó cũng là khoảng thời gian vị đạo diễn người Mỹ cảm nhận trọn vẹn cuộc sống, trưởng thành cùng với nhân vật của ông.

Chính vì thời gian quay phim đằng đẵng như vậy cho nên mỗi năm Linklater đều lôi các diễn viên ra hâm nóng cảm xúc cho nhân vật do ông sợ họ... quên béng vai diễn.

Coi phim ảnh là sự sống

Nathan Heller, phóng viên của tờ The New Yorker, mới đây đã viết một bài dài dằng dặc về Linklater với tít: “Tại sao Richard Linklater làm phim?”, để rồi hàm ý câu trả lời có vẻ… huề vốn nhưng ngẫm ra vô cùng chí lý: Là bởi vì ông được sinh ra để làm phim, đặc biệt là những bộ phim chẳng giống phim của bất kỳ ai. Phim ảnh chính thức mê hoặc Linklater từ khi ông bỏ học đại học, vùi đầu đọc tiểu thuyết để nung nấu kịch bản, mua máy quay và thành lập hội làm phim riêng. Ông từ chối hào quang, tiền bạc, những lời mời gọi hấp dẫn từ các hãng phim Hollywood để theo đuổi con đường làm phim độc lập với kinh phí thấp và nghèo rớt nhiều năm tại Texas trước khi nổi danh. Ông nhầm lẫn liên miên giữa đời thường và phim ảnh: “Cuộc sống của tôi diễn ra không khác phim ảnh. Mà thực ra cuộc sống cũng chính là phim ảnh đó thôi” nên chẳng lạ khi một đêm hạnh phúc với người con gái tại Philadelphia đủ làm cảm hứng cho ông bắt tay vào làm bộ ba phim Before… Và nếu sống mà không làm phim nữa thì đối với vị đạo diễn 54 tuổi này “chẳng khác nào bắt tôi tự sát”, như ông nói.

Làm phim như đứa trẻ ngây thơ

Đôi mắt của Linklater là một đôi mắt kỳ lạ, phản ánh đúng một tâm hồn và một cá tính kỳ lạ. Rõ ràng đó không phải là cặp mắt hiếng nhưng chúng không giống nhau với một bên mắt toát lên vẻ trong trẻo ngây thơ và bên mắt kia thì lại chất chứa nỗi u buồn. Chẳng phải đó cũng là điểm nhìn, là nhân sinh quan làm phim của Linklater để từ đó các phim của ông đều đẫm chất mộc mạc, giàu cảm xúc đồng thời cứ phảng phất buồn?

Các diễn viên đã làm việc với Richard Linklater, như Ethan Hawke, đều công nhận ở khả năng chỉ đạo bậc thầy của ông. Thực chất, Linklater chỉ đạo theo cách dường như không chỉ đạo gì cả. Ông tôn trọng tuyệt đối diễn biến nội tâm của diễn viên, một khi ông đã khiến họ toàn tâm “nhập” vào nhân vật. Và ông cứ nương theo diễn xuất và thoại bột phát của họ, đến nỗi chính ông cũng tò mò không biết mạch phim sẽ đi về đâu.

THÚY QUỲNH

Tiếng nói cá biệt bậc nhất của điện ảnh Mỹ

Ngay sau suất chiếu đầu tiên, giới phê bình và truyền thông đồng loạt khen ngợi Boyhood là bộ phim kỳ diệu về tình cảm gia đình, đặc biệt “tái khẳng định rằng cái tên Richard Linklater là một trong những tiếng nói quan trọng và cá biệt nhất của điện ảnh Mỹ đương đại”, như lời của tờ Variety đã nhận xét. Hiện trang Imdb.com chấm Boyhood của Linklater lên đến 9/10 điểm, trong khi phim Before Sunrise của ông trước đây chỉ được 8,1/10 điểm, mặc dù nó làm nức lòng khán giả toàn thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm