Các gia đình nạn nhân trên chuyến bay đều cho rằng nhiều hành khách đã phải mua vé để lên chiếc máy bay quân sự C-130 Hercules này.
Hôm 1-7, Reuters dẫn lời người thân một nạn nhân tiết lộ rằng anh trai của cô đã phải mua vé để lên máy bay định mệnh này. “Anh tôi đã chi ra 800.000 rupiah (60 USD)” và cho hay anh trai cô là một thường dân.
Một số người khác khẳng định người thân của họ đã chi tới 1 triệu rupiah để được lên máy bay quân sự.
Tuy nhiên, tư lệnh không quân Indonesia Agus Supriatna phủ nhận cáo buộc các hành khách được yêu cầu phải trả tiền mới được lên máy bay.
“Chúng tôi lo ngại có một số kẻ đã đưa thường dân lên máy bay mà không được phép. Hiện chúng tôi đang điều tra chuyện này” – ông nói.
Hôm qua, nhà chức trách Indonesia thông báo đã tìm thấy toàn bộ 141 thi thể trong thảm kịch này. Vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo thông tin ban đầu, đài kiểm soát không lưu yêu cầu máy bay quay trở lại sân bay và có thể chiếc Hercules C-130 đã bị trục trặc động cơ. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh mở cuộc điều tra toàn diện nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc.
Binh lính khiên quan tài của nạn nhân thảm họa rơi máy bay C-130 Hercules (Ảnh: Reuters)
Theo Reuters, giới quan sát nhận định thảm họa này là sức ép nặng nề buộc Tổng thống Widodo phải thực hiện chiến dịch hiện đại hóa lực lượng máy bay quân sự một cách nghiêm túc.
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính chi tiêu quốc phòng của Indonesia chỉ chiếm 0,8% GDP, mức thấp nhất trong khu vực.
Mới đây ông Widodo tuyên bố ông có kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quân sự lên 15 tỉ USD vào năm 2020.