Trên số báo hôm qua (13-1), chúng tôi có đưa tin vụ “Em dâu tung ảnh chị “bắt cóc trẻ em” lên “phây””. Trò đùa tưởng chừng vô hại nhưng lại ảnh hưởng đến hai người chị, làm đảo lộn cuộc sống của họ. Vì biết là trò đùa của người thân trong nhà nên hai người chị đã không yêu cầu xử lý em dâu. Tuy nhiên, hành vi này vẫn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” theo điểm g khoản 2 Điều 66 Nghị định 174/2013 (mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm).
“Nàng tiên cá 48 kg” bị phạt 5 triệu đồng
Trên thực tế, từng có nhiều vụ đùa dại trên Facebook sau đó bị phạt hành chính thật chẳng đáng chút nào. Gần đây nhất là câu chuyện Quảng Nam dân chài lưới bắt được nàng tiên cá đăng trên trang thông tin điện tử quangnamonline.com.vn thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi. Tác giả của câu chuyện trên là Phạm Đắc Hậu (27 tuổi, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành). Hậu đăng bài viết nhằm câu like cho trang mình quản lý. Kết quả, Hậu bị Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam phạt 5 triệu đồng vì đăng tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận...
Trên bài viết của mình, Hậu đăng kèm một số bức ảnh cô gái nằm trong tấm lưới nhìn có vẻ rất giống nàng tiên cá trong truyện cổ tích. Hậu viết: Người dân xã Tam Anh Nam ra sông thường thấy nàng tiên cá trèo lên ghềnh đá tắm nắng. Một nhóm người sau đó mai phục, đánh thuốc mê, dùng lưới bắt được nàng tiên cá nặng 48 kg. Và “hiện nàng tiên cá đang được điều trị tại BV Minh Thiện (TP Tam Kỳ), một đại gia người Nhật đã trả 1 triệu USD để mua nàng nhưng bị từ chối”…
Các bức ảnh sau đó được xác định nằm trong bộ ảnh cưới của một đôi vợ chồng vừa đăng tải trên mạng xã hội. Với những người hiểu biết, người ta nhận ra ngay đây chỉ là chuyện tào lao nhằm câu like cho vui. Nhưng khi trình độ dân trí chưa đồng đều, làm sao dám chắc sẽ không có người nửa tin nửa ngờ về chuyện này, từ đó dẫn đến hoang mang, nhất là khi ký ức vẫn còn lởn vởn hình bóng nàng tiên cá trong truyện cổ tích mà hồi nhỏ từng nghe kể…
Bức ảnh “Nàng tiên cá 48 kg” được lan truyền chóng mặt trên mạng. (Ảnh chụp lại từ Internet)
20 triệu đồng đổi lấy vài ngàn like
Tương tự, vào tháng 6-2015, trong cuộc thi ảnh nghệ thuật tổ chức tại tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Kim Hải, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, có đơn tố cáo nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Thùy Mai gian dối, chụp ảnh ở tỉnh khác nhưng lại cho là ở Cà Mau. Khi sự việc chưa ngã ngũ, ông Hải đã lên mạng xã hội đăng thông tin với nội dung như đã tố cáo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Thùy Mai.
Qua tố giác của chị Mai, Sở TT&TT tỉnh Cà Mau đã làm rõ bức ảnh được chụp tại Cà Mau, toàn bộ nội dung tố cáo là sai sự thật. Ông Hải bị phạt 5 triệu đồng vì có hành vi bôi nhọ đồng nghiệp trên mạng xã hội Facebook.
Một trong những tin đồn gây chấn động xã hội năm 2014 là dịch Ebola xuất hiện tại Việt Nam. Tác giả câu chuyện trên là cặp vợ chồng Đỗ Thùy Linh và Vương Bá Huy. Theo tài liệu điều tra, vào ngày 11-8-2014, chị Thùy Linh đăng tải bài viết trên Facebook với nội dung: “Các mẹ ơi tin khẩn, dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam rồi nhé, tại BV Bạch Mai, tin nội bộ nên không để lộ ra. Các mẹ biết để phòng tránh cho gia đình và bé con nhé”. Bài viết sau khi đăng tải lên Hội Nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam đã có hàng ngàn lượt chia sẻ.
Đến sáng 12-8, khi biết các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nội dung do mình đăng tải, chị đã gỡ bài viết này. Cũng trong ngày, anh Vương Bá Huy (31 tuổi, chồng chị Linh) đã đăng lên trang Facebook cá nhân nội dung tương tự. Hậu quả hai vợ chồng sau khi nhận vài ngàn like ảo đã bị phạt hành chính mỗi người 10 triệu đồng...
Ngẫm kỹ bảy lần trước khi gõ phím
Ngoài những vụ bị phạt như trên, đâu đó trên mạng xã hội thỉnh thoảng xuất hiện những “sờ ta tút” ám chỉ, nói xấu ai đó với những căn cứ vu vơ. Hay có khi người chơi “phây” tung những tin đồn nhảm, tin chưa được kiểm chứng… gây hoang mang cộng đồng mạng. Người khác đọc thấy, thay vì kiểm chứng thì lại share vô tội vạ, người khác lại thêm mắm dặm muối, cuối cùng không biết đâu mà lần.
Ngoài ra, không ít người cứ tiện tay chụp ảnh người khác, trong đó có cả cảnh hở hang, cảnh các cô mặc bikini nơi hồ bơi, bãi biển… rồi vô tư tung lên mạng kèm những lời bình phẩm tục tĩu, thiếu văn hóa. Người ta cứ tưởng không gian công cộng là có quyền chụp ảnh đưa lên mạng mà quên đi quyền về hình ảnh của cá nhân người trong cuộc, nhất là hình ảnh riêng tư, nhạy cảm.
Chơi “phây” cũng cần có hiểu biết, cần có giới hạn. Bởi nếu không, bạn có thể sẽ đối diện với mức phạt hành chính đến 10 triệu đồng. Chưa nói, bạn còn có thể bị kiện đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại hay phải đối diện với hình phạt tù nếu hành vi của bạn đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự (tội vu khống chẳng hạn).
Không phải ngẫu nhiên ông cha ta có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Soi vào thời đại mạng xã hội phổ biến hiện nay, “ngẫm kỹ bảy lần trước khi gõ bàn phím” cũng không thừa. Facebook cá nhân là của riêng nhưng môi trường mạng xã hội là không gian công cộng. Những thông tin liên quan đến người khác thì cần cân nhắc, cẩn trọng khi đề cập. Bởi “phây” là ảo nhưng hệ lụy, hậu quả thì lại rất thật, thật đến không ngờ.
Bị bôi xấu trên “phây”, bạn nên làm gì? Khi một ai đó cố tình nói xấu, xúc phạm, vu khống mình trên mạng xã hội, bạn nên làm gì để bảo vệ mình? Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, TP.HCM, lưu ý: + Trước hết, bạn phải thu thập những chứng cứ ban đầu, tức phải xác minh ai là người đăng thông tin bêu xấu, xúc phạm mình và sao chụp lại toàn bộ trang mạng đã đưa thông tin này. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ cũng không dễ dàng vì có thể người xúc phạm, nói xấu chỉ đăng một thời gian rồi xóa đi. Trong khoảng thời gian đăng ấy thì những người khác đã kịp chia sẻ cho nhau và thế là không thể xác định được người nào đã đăng lên đầu tiên. Chính vì vậy, bạn cần nên thực hiện bước kế tiếp. + Lập tức nhờ thừa phát lại lập vi bằng. Lúc này thừa phát lại sẽ mở trang mạng theo hướng dẫn của bạn và ghi nhận tại thời điểm nào, tại đâu, lúc mấy giờ đã xảy ra sự việc gì… Bằng nghiệp vụ, thừa phát lại sẽ lưu lại, sao chụp những trang mạng đó và lập vi bằng. Vi bằng của thừa phát lại được coi là chứng cứ hợp pháp để bạn liên hệ cơ quan chức năng nhờ can thiệp, yêu cầu xin lỗi công khai với mức độ tương ứng. + Bước kế tiếp, bạn yêu cầu người xúc phạm mình gỡ bỏ những thông tin sai lệch xuống và xin lỗi công khai. Nếu họ đã thực hiện, bạn cần cân nhắc việc có nên tiếp tục khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu họ không thực hiện, để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình, bạn rất nên khởi kiện ra tòa. + Đồng thời, tùy theo tính chất, mức độ, bạn có thể gửi đơn tố cáo đến công an yêu cầu xử lý người vi phạm, kèm theo vi bằng để làm chứng cứ. Nếu hành vi của người xúc phạm có dấu hiệu hình sự, công an sẽ khởi tố, điều tra; nếu sự việc chỉ đến mức xử lý hành chính, công an sẽ ra quyết định xử phạt. NGUYỄN HIỀN ghi |