Rút lui đăng cai ASIAD 18 – 2019: Phạt gì? Ai phạt?

Từng có những thông tin quốc gia nào trả lại quyền đăng cai sẽ bị Ủy ban Olympic châu Á (OCA) phạt 1 triệu USD và bị các biện pháp chế tài, bồi thường… Tuy nhiên, OCA không cứng nhắc với hình thức xử phạt mà còn tùy thuộc vào nhiều thứ trong đó có cân nhắc hoàn cảnh khiến không thể đăng cai…

Khi một nước xin rút lui thì OCA phải chính thức nhận các văn bản báo cáo của chủ nhà sau đó nhóm họp. Kế tiếp OCA kêu gọi các thành phố của các quốc gia khác tiếp nhận quyền đăng cai. Nếu chuyện này diễn ra suôn sẻ, có quốc gia chấp nhận đăng cai thì quốc gia trả lại quyền đăng cai không phải nộp phạt.

Trường hợp có quốc gia đứng ra nhận đăng cai thay thế nhưng gặp khó khăn về tài chính thì quốc gia trả lại quyền đăng cai phải đứng ra hỗ trợ tài chính một cách tích cực cho quốc gia đứng ra “chữa cháy”.

Asiad năm 1970, Hàn Quốc xin rút lui vì những khó khăn về chính trị và ngân sách nhà nước có hạn. Từ đó OCA họp nhóm rồi tìm được biện pháp chữa cháy là nhờ Thái Lan nhận thay thế. Song song đó, phía Hàn Quốc thành lập một ủy ban đặc biệt để “chuyển giao” quyền đăng cai cho TP Bangkok (Thái Lan) đồng thời tiếp tay cùng TP Bangkok khắc phục hậu quả.

 
Sau hình ảnh mừng việc đăng cai cách đây gần hai năm, bây giờ đại diện Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ phải giải trình với OCA việc xin rút lui trả lại quyền đăng cai. Ảnh: PV, đồ họa: BB

Thời điểm đấy Hàn Quốc đã hỗ trợ gần 425.000 USD cho Thái Lan đăng cai.

Đến năm 1978, Pakistan giành quyền đăng cai Asiad và giờ chót cũng trả quyền đăng cai vì những xung đột quanh vấn đề an ninh. OCA lập tức xắn tay can thiệp tìm quốc gia thế vai và Singapore đã đứng ra “chữa cháy” nhưng giờ chót kế hoạch này “gãy” vì Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore vào thời điểm đấy nêu quan điểm: “Một đất nước chưa tới 2 triệu dân (năm 1978), trình độ VĐV chưa đạt đẳng cấp châu lục, hơn nữa chẳng có một quốc gia gia nhỏ bé nào được lợi từ những tấm HCV, HCB tại sân chơi như thế”. Cuối cùng OCA lại cầu cứu đến TP Bangkok (Thái Lan) “cứu bồ” với kịch bản tương tự như năm 1970.

Với những lần thế vai, chữa cháy như thế, hiện TP Bangkok đang giữ kỷ lục Asiad là TP có số lần đăng cai nhiều nhất (1966, 1970, 1978 và 1998) và là TP duy nhất hai lần liên tiếp đăng cai.

Việc Việt Nam chính thức rút lui hiện phía OCA đang chờ báo cáo chính thức từ Ủy ban Olympic Việt Nam rồi sẽ có những bước giải quyết tiếp theo.

Nhiều khả năng phía Việt Nam sẽ không phải chịu khoản phạt nào nếu phía OCA cho rằng rút lui vì lý do chính đáng nhưng sẽ phải hỗ trợ số tiền không nhỏ để giúp quốc gia ra tay “cứu bồ”.

Trước đây có hai ứng viên cùng Hà Nội của Việt Nam chạy đua đăng cai là TP Surabaya của Indonesia và Dubai của UAE nhưng chưa thấy hai TP này lên tiếng khi Việt Nam rút lui.

TẤN PHƯỚC

 

Truyền thông quốc tế nói về việc rút lui không tổ chức Asiad của Việt Nam

Times of India (Ấn Độ): Nguyên nhân phía Việt Nam đưa ra là những khó khăn về tài chính, kinh tế xã hội đang gặp nhiều khó khăn, chi phí cho việc xây dựng các nhà thi đấu Asiad ngốn ngân sách quá nhiều.

New Straits Times (Malaysia): Nếu như Việt Nam tổ chức sự kiện thể thao thu hút hơn 40 quốc gia tham dự mà thiếu sự chuẩn bị chu đáo thì sẽ làm xấu đi hình ảnh quốc gia.

Reuters (Anh):  Việt Nam đã quyết định rút lui không tổ chức Asiad 18. Nếu sự chuẩn bị không chu đáo thì sẽ hủy hoại hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm