Sách giáo khoa điện tử: Nên - không nên?

Việc Sở GD&ĐT TP.HCM xây dựng đề án thí điểm đưa sách giáo khoa điện tử (SGKĐT) vào giảng dạy cho học sinh lớp 1, 2, 3 đang được nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm. Đây là việc làm rất mới, có thể ảnh hưởng lớn đến việc học tập của con em họ, bởi vậy cần được xem xét hết sức kỹ lưỡng và thận trọng trước khi thực hiện.

Không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện sắm

Tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án ngày 18-7, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD&ĐT TP.HCM, nhấn mạnh một số ưu điểm mà SGK giấy không có như gọn nhẹ, một máy tính bảng sẽ thay thế cả bộ SGK nên mỗi học sinh chỉ cần mang theo một máy tính bảng đến trường thay vì phải mang vác cặp sách nặng nhọc. Ngoài ra, SGKĐT có khả năng tải thêm các bộ sách tham khảo, ngân hàng đề thi… và ứng dụng nhiều tiện ích trong việc học ngoại ngữ, âm nhạc...

Tuy nhiên, vẫn còn không ít câu hỏi đặt ra khi áp dụng SGKĐT. Có lẽ vấn đề quan tâm hàng đầu là việc trang bị SGKĐT cho học sinh nên như thế nào để vừa kinh tế vừa tiện lợi.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nếu trang bị SGKĐT (được Sở GD&ĐT TP giới thiệu tại hội thảo) cho tất cả trường tiểu học tại TP.HCM thì phải tốn 3.900-4.400 tỉ đồng. Tính bình quân giá một SGKĐT là 4,8 triệu đồng.

Một buổi giới thiệu sách giáo khoa điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: CTV

Bà Lê Thị Bình, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận 1, cho rằng: “Đa số phụ huynh muốn con mình tiếp cận thiết bị hiện đại nhưng không phải ai cũng đủ kinh phí để có thể trang bị cho con mình một chiếc máy tính bảng”. Trong khi đó, nguồn kinh phí mua sắm SGKĐT hiện chưa rõ ràng. Ngân sách TP sẽ hỗ trợ hay phụ huynh đóng góp, hay TP chịu một nửa, phụ huynh một nửa…

Không nên độc quyền phần mềm

Phụ huynh cũng đặt câu hỏi: “Nếu sắm cho mỗi học sinh một máy tính bảng thì ai sẽ là người bảo quản”? Nếu để các em mang máy tính bảng từ trường về nhà và ngược lại thì sẽ có nguy cơ mất mát, dễ xảy ra cướp giật trên đường… Theo ông Nguyễn Quang Vinh, cần phải có sự tính toán hợp lý về nguồn kinh phí mua sắm. Ông cho rằng nên có sự phối hợp giữa nhà trường, nguồn vốn xã hội hóa, phụ huynh… Hoặc cần tính đến phương án đầu tư một lần cho các trường, sau đó cho học sinh mượn để sử dụng chung. Làm vậy sẽ tránh được sự phiền phức khi học sinh mang máy tính bảng về nhà, đến trường và tiết kiệm việc mua sắm.

Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đề án SGKĐT nên có gắn kết với việc kích cầu đầu tư phần cứng nội địa để phát triển công nghệ. Ông đề nghị thay vì dùng phần cứng của nước ngoài thì dùng phần cứng của Việt Nam, vừa phục vụ học sinh vừa kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ thông tin… Đồng thời, ông cũng cho rằng: “Nên kêu gọi nhiều nhà sản xuất phần mềm viết nội dung SGKĐT, sau đó chọn ra phần mềm phù hợp. Không nên độc quyền phần mềm”.

P.TĨNH - H.LAN

Đừng ép mua thiết bị số

Đóng góp ý kiến cho đề án, ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sách Điện tử Trẻ, cho biết không ủng hộ cách triển khai SGK trên một thiết bị số duy nhất là máy tính bảng 8 inch như cách Nhà xuất bản Giáo dục và Tập đoàn Intel đang thực hiện.

Theo ông, TP.HCM nên đưa ra tiêu chuẩn SGKĐT và tổ chức cuộc thi viết phần mềm rộng rãi cho các cá nhân, tổ chức tham gia. Phần mềm nào ưu việt nhất sẽ được chọn và ứng dụng trên nhiều thiết bị số như máy tính bảng, máy tính bàn, laptop… Làm như vậy người dùng sẽ tận dụng được các thiết bị số hiện có để đọc SGKĐT chứ không cần phải tốn tiền để mua thêm một máy tính bảng chỉ sử dụng cho việc đọc SGK. Về sự đồng bộ thiết bị dùng để đọc SGK cho học sinh lớp 1, 2, 3 tại trường học, ông Đồng Phước Vinh cho rằng thay vì mỗi học sinh phải có một máy tính bảng, nhà trường nên trang bị một số phòng lab có đầy đủ trang thiết bị và luân phiên cho học sinh học tập. Khi về nhà, học sinh có thể học SGKĐT trên những thiết bị sẵn có của gia đình như máy tính bàn, laptop…

Ông Vinh cũng bày tỏ quan điểm rằng SGKĐT chỉ bổ trợ cho SGK giấy chứ không thể thay thế toàn bộ sách giấy. Chương trình SGKĐT cũng chỉ có thể ứng dụng ở những trường giàu, phụ huynh có điều kiện kinh tế và nếu trường nào được chọn để thí điểm thì phải cân nhắc để thực hiện đồng bộ việc dùng SGKĐT cho tất cả học sinh nhằm tránh sự phân hóa giàu nghèo, đối xử bất công với học sinh.

T.GIANG ghi

SGKĐT gồm hai bộ phận chính là nội dung chương trình (phần mềm) và thiết bị truy cập nội dung (phần cứng). SGKĐT do Nhà xuất bản Giáo dục cung cấp phần mềm và chạy trên máy tính bảng của Tập đoàn Intel. Phần mềm cài đặt trọn bộ SGK và sách bổ trợ theo chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Ngoài ra, sách còn tích hợp nhiều tính năng: Từ điển Anh-Việt, ứng dụng âm nhạc, hội họa, ứng dụng địa lý (Atlas), máy tính cá nhân, kho đề thi và học liệu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm