Đó có thể là những lý do mà Los Angeles (California, Mỹ) vừa quyết định tạm dừng một chương trình đầy tham vọng, trị giá đến 1,3 tỉ USD, nhằm trang bị máy tính bảng iPad cài sẵn phần mềm giáo khoa do Pearson biên soạn cho khoảng 700.000 học sinh và giáo viên.
Học sinh của học khu Los Angeles sử dụng máy tính bảng tại lớp - Ảnh từ website học khu Los Angeles
Đó có thể là những lý do mà Los Angeles (California, Mỹ) vừa quyết định tạm dừng một chương trình đầy tham vọng, trị giá đến 1,3 tỉ USD, nhằm trang bị máy tính bảng iPad cài sẵn phần mềm giáo khoa do Pearson biên soạn cho khoảng 700.000 học sinh và giáo viên.
Học sinh của học khu Los Angeles sử dụng máy tính bảng tại lớp - Ảnh từ website học khu Los Angeles
Câu chuyện đằng sau quyết định này cho thấy nhiều điều thú vị, đó là việc hủy hợp đồng và cho đấu thầu lại là bởi áp lực điều tra của báo chí và sự lên tiếng của công luận.
Quá nhiều lỗi
Kỹ thuật chào hàng Báo chí Mỹ cũng cho thấy doanh nghiệp như Pearson lúc nào cũng muốn bán được sản phẩm hay dịch vụ cho nên lúc nào cũng chủ động tiếp cận quan chức giáo dục để chào hàng. Kỹ thuật chào hàng thì ở đâu cũng như nhau, kể cả mời quan chức đi tham quan hay dự hội thảo tại các khu nghỉ dưỡng sang trọng, tặng sản phẩm như iPad để dùng thử, đóng gói phần cứng phần mềm vào chung để bán cho dễ... |
Ngay từ năm ngoái lúc triển khai thí điểm chương trình tại 47 trường trên tổng số 800 trường trong toàn học khu lớn thứ nhì nước Mỹ, dư luận đã xoáy vào các vấn đề như kinh phí của chương trình quá lớn trong khi ngân sách eo hẹp, triển khai quá vội vàng nên phần mềm còn nhiều lỗi, giáo viên chưa được huấn luyện sử dụng đến nơi đến chốn và máy bị học sinh bẻ khóa dễ dàng để vào Facebook ngay trong giờ học.
Lúc đó học khu đã mua chừng 75.000 iPad để phát cho học sinh. Cũng nhờ thế mà báo chí Mỹ phát hiện phần mềm trên máy chưa hoàn chỉnh như hứa hẹn, vẫn còn thiếu nhiều tính năng và công cụ tương tác.
Ngoài ra, giới chức giáo dục California mới chỉ phê duyệt xong chương trình sách giáo khoa điện tử môn toán từ mẫu giáo đến lớp 8, các lớp còn lại chưa duyệt xong. Thế mà quá trình phê duyệt đã cho thấy phần mềm còn quá nhiều lỗi, từ chính tả đến quy chuẩn học tập không đúng như thỏa thuận.
Đầu năm học này báo chí Mỹ phát hiện hàng loạt thư từ trao đổi giữa lãnh đạo học khu và hai doanh nghiệp trúng thầu là Apple và Pearson, cho thấy dấu hiệu những xung đột lợi ích như trao đổi thông tin trước khi mở thầu, sau đó cấu hình máy và phần mềm trong nội dung gọi thầu giống như nội dung hai bên trao đổi trước.
Họ cũng phát hiện trưởng học khu là John Deasy đích thân tuyên bố ủng hộ Apple và Pearson, rồi chuyện một công ty con của Pearson tài trợ một khóa huấn luyện cho nhân viên học khu gồm 50 người tại một khu resort, mỗi người lại được tặng một iPad.
Chỉ mấy ngày sau khi Đài KPCC đăng tải một số email trao đổi nói trên, trưởng học khu John Deasy phải quyết định ngưng hợp đồng với Apple và Pearson để khởi động quy trình gọi thầu mới vào đầu tuần này.
Thư của ông viết: “Quyết định này không chỉ cho phép chúng ta tận dụng một thị trường và tiến bộ công nghệ đang luôn thay đổi, nó còn cho chúng ta thời gian để giải quyết các mối quan ngại được nêu lên quanh đề án”.
Ý ông muốn nói nhà cung cấp phần cứng và phần mềm tương lai có thể không phải là Apple và Pearson mà có thể là các hãng khác, kể cả loại thiết bị khác. Ông cũng cho báo chí biết thư từ trao đổi bị tiết lộ là nói về chương trình thí điểm chứ không phải chương trình đầy đủ!
Áp lực của công luận
Thật ra chương trình này cũng từng bị ngưng một phần ở một số trường ngay sau khi bắt đầu triển khai từ năm học 2013. Lúc đó lý do quan trọng nhất là học sinh bẻ khóa máy iPad để sử dụng như một công cụ giải trí chứ không còn làm dụng cụ học tập nữa. Lúc đó nhiều trường phải thu hồi máy, nhiều trường khác không cho học sinh đem máy về nhà nữa.
Như vậy một chương trình được chuẩn bị khá công phu với những tên tuổi nổi tiếng như Apple hay Pearson mà vẫn phải ngưng để điều chỉnh theo nhu cầu của học sinh, nhà trường và để hoàn thiện phần mềm cũng như huấn luyện cho giáo viên.
Ví dụ nhiều học sinh than phiền màn hình iPad quá nhỏ khó đọc và bàn phím bán kèm không được tốt. Nhiều trường đã chủ động bàn với học khu để trang bị laptop cho học sinh thay vì máy tính bảng sau hàng loạt kiến nghị như thế. Nhiều trường phát hiện cơ sở vật chất của họ không chịu nổi khi toàn thể học sinh vào mạng WiFi cùng lúc.
Điều đáng chú ý là báo chí Mỹ, theo một đạo luật công khai thông tin, đã có thể yêu cầu học khu Los Angeles cung cấp đầy đủ thông tin mang tính công khai như trao đổi email giữa trưởng học khu và các bên liên quan, chi tiết đề án kèm theo đó là nhận xét của các chuyên gia giáo dục, kể cả những nhận xét phê phán chương trình.
Theo VŨ PHAN (Tuổi Trẻ)