100% ý kiến bạn đọc gửi đến cho Pháp luật TP.HCM là bày tỏ sự không đồng tình.
Việc tiếp xúc sớm với máy tính bảng có hại cho mắt và trí não của trẻ
Khi đồng tiền cao hơn tất cả
Hầu như tất cả mọi người đều cho rằng động cơ chính của đề án này là chưa tập trung vào giáo dục. Phụ huynh học sinh sẽ phải gồnh mình gánh chịu nhiều thiệt thòi.
Bạn đọc Bùi Hồng Chương nói: “Đừng đưa các gia đình phụ huynh gia nhập quá nhanh vào danh sách các hộ nghèo vì buộc phải mua sắm học cụ đắt đỏ mà không mấy hữu dụng cho con cái họ”.
Sẽ ra sao nếu một gia đình với mức thu nhập thấp có đến hai con nhỏ cùng vào cấp I? Một chiếc máy tính bảng nếu giao cho một đứa bé 6 tuổi mang đến lớp, liệu sẽ còn nguyên vẹn trong bao nhiêu ngày? Nếu một gia đình trong một năm học phải chi đến hàng chục triệu chỉ để mua “sách” cho con thì đây sẽ là một gánh nặng khó kham nổi. Lẽ dĩ nhiên, càng như vậy thì doanh thu của đơn vị bán máy tính, các khoản hoa hồng đi kèm cho các bên “hữu quan” sẽ càng dày lên.
Việc trang bị cho mỗi bé một máy tính bảng để đi học không phải là "chuyện nhỏ" đối với nhiều gia đình
Đồng tình với ý kiến trên là rất nhiều độc giả khác. Bạn đọc Thợ xây thẳng thừng nói: “ Đề án máy tính bảng= Tiền+Vô cảm”
Bạn Dương Doãn nói: “Đây là một đề án phản khoa học, cũng như đề án tiếng Anh tích hợp. "
Thực tế hơn, bạn Đăng An nêu thực trạng: “Hiện nay thu nhập của người Việt Nam thực sự ra sao. Hãy làm việc theo lương tâm, đừng kiếm tiền bằng mọi giá”.
Bạn Hai Nhách kết luận lại động cơ của đề án nghìn tỉ này là học sinh, sinh viên thời nay là con gà đẻ trứng vàng.
Tốn tiền nhưng hoàn toàn phản tác dụng
Điểm đáng chú ý thực tế với lứa tuổi từ 6 đến 8 mà cho các em học sách điện tử là lợi bất cập hại.
Trên thế giới, SGK điện tử được coi là thiết bị hỗ trợ, hoàn toàn không thể thay thế SGK thông thường, và chỉ áp dụng cho khối cấp II trở lên một cách rất hạn chế.
Trong khi cả thế giới đang hạn chế trẻ nhỏ tiếp xúc với máy tính bảng, tivi sớm vì ảnh hưởng xấu của các thiết bị này đến khả năng tư duy, vận động của trẻ thì chúng ta lại đi ngược lại.
Máy tính bảng không thể phát huy tác dụng được như những giờ học trực quan sinh động
“Thật không hiểu nổi người ta dựa vào căn cứ nào để tiến hành dạy học sinh trên máy tính bảng khi chưa có thí điểm, chưa có sự chuẩn bị về con người và sách giáo khoa, hướng dẫn. Trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn thu nhập đầu người thấp, nhiều gia đình phải nhịn ăn nhịn mặt để con cái được đi học”. Ý kiến này của độc giả Thuyết được bạn NamNguyen đồng thuận, bạn nói: “đúng là xa vời với thực tiễn, làm lãng phí tiền của dân”.
Không có nước nào trên thế giới phủ nhận vai trò của SGK truyền thống
Đưa trẻ em vào tầm nguy hiểm
Đây chính là điều đáng bức xúc nhất trước đề án có tiếng là để phục vụ cho việc học của các em hiệu quả hơn.
Cái nguy hiểm trước hết là về sức khỏe, độc giả Ditaba nói: “Lâu nay chúng ta đang lo lắng vì con em nghiện games. Nếu dự án này được triển khai, sau một thời gian ngắn, TP sẽ có hàng ngàn game thủ ra đời và cũng từng đó mầm non nước nhà sống trong thế giới ảo”.
Bạn Nguyễn Minh Tâm chia sẻ: “Tiền học phí và các khoản thu khác đầu năm học đang làm nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, thật sự quá khổ. Nay đến SGK điện tử chắc con của họ sẽ nghỉ học vì không có khả năng mua máy tính bảng, chưa nói đến bệnh về mắt."
Một giờ học thủ công của các bé
Khoa học đã chỉ ra rằng nếu trẻ dán mắt vào màn hình máy tính hoặc tivi sẽ gây ra những thay đổi trong não, có hại như người nghiện ma túy, nghiện rượu và hàng loạt vấn đề về sức khỏe: cholesterol cao, nhồi máu cơ tim, mất tập trung hay suy giảm khả năng làm toán, đọc, rối loạn giấc ngủ và tự kỷ.
Nếu muốn trẻ tiếp thu tốt kiến thức và kỹ năng sống bắt buộc phải cho chúng khám phá thực tiễn bằng sự phối hợp nhiều giác quan: nghe, nói, xúc giác… nếu không muốn tạo ra một thế hệ bị tổn thương sức khỏe và bộ não nghiêm trọng.
Thêm nữa, một mối nguy hiểm bên ngoài không thể không tính tới đó là việc biến cổng trường thành mục tiêu tấn công của tội phạm khi cho các em nhỏ mang vật dụng có giá trị bên người.
Độc giả Nhật Vũ nói: “Không loại trừ là khả năng mất an toàn khi những kẻ trộm cướp để mắt đến các em”.
Trẻ em tiểu học hầu như chưa có khả năng tự bảo vệ mình. Sẽ như thế nào nếu xảy ra những vụ cướp nhắm vào chiếc cặp táp đi học của các em. Khi xã hội có thể xảy ra giết người chỉ vì vài chục ngàn đồng, Sở GDĐT lại không lo ngại khi để những đứa trẻ non nớt này mang theo mình món đồ có giá trị đến vài triệu?
Hãy để cho trẻ được phát huy khả năng sáng tạo, được học tập trong môi trường thú vị và an toàn
Những đề án giáo dục bản thân nó phải mang ý nghĩa và hiệu quả giáo dục tích cực. Thế nhưng người ta thấy gì từ đề án 30.000 tỉ cải tiến SGK, hàng nghìn tỉ cho bảng tương tác và bây giờ là 4000 tỉ cho máy tính bảng?
Không thể bỏ qua tất cả, kể cả những mối nguy hiểm từ nhiều phía đến với các em nhỏ như trên?