Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử:

Một đề án kém nhân văn!

 Có thể nói đây là một đề án viển vông gây lãng phí và kém tính nhân văn được núp dưới hình thức rất nhân văn: Tức là các cháu lớp 1,2,3 cấp tiểu học tại TP.HCM sẽ học hoàn toàn trong những lớp học thông minh(!?).

Trước hết nó thể hiện qua vấn đề kinh phí khổng lồ: Người làm đề án dự toán khoảng 4.000 tỷ đồng mà cứ nhẹ như lông hồng(!?). Trong khi đất nước còn quá khó khăn thiếu thốn, dân tình còn quá nghèo túng. Mỗi gia đình phải bỏ ra 3-5 triệu để mua máy tính bảng cho con, chưa kể tiền mua giáo án điện tử và nhiều chi phí khác nữa,… Có những gia đình có 2 con học ở những lớp thuộc đối tượng trong đề án chắc phải chi gấp đôi. Với những công nhân hoặc bộ phận dân thường bỏ ra một số tiền gần chục triệu không phải dễ dàng.

Về vấn đề sức khỏe: Dối tượng học sinh lớp 1,2,3 nhất là lớp 1 còn quá nhỏ, tiếp xúc với máy tính thường xuyên, liệu có phản khoa học? Liệu những đôi mắt trong veo kia có sớm phải đeo những cặp mắt kính ngày một dày? Liệu thầy cô, cha mẹ có quản lý con học nghiêm túc hay có máy tính lại là cơ hội để con em chơi điện tử? Những hậu họa nào sẽ xảy ra?

Với nhà trường: Liệu một thầy giáo, hoặc cô giáo có thể quản được tất cả các cháu học qua máy tính? Các cháu lớp 1,2,3 nhất là lớp 1 vừa chân ước chấn ráo vào trường đã biết tương tác với giáo viên chưa?

Về cơ sở vật chất: Các trường đều phải có phòng học thông minh, có nghĩa là phải chuẩn, phải đủ CSVC của CNTT. Cùng một lúc mấy lớp học như vậy liệu trường có đáp ứng hay lại kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh. Trăm dâu đổ đầu tằm. Năm học mới đã đến bao thứ phải đóng góp nhưng liệu có đảm bảo chất lượng? Sách giáo khoa hiện nay đang còn nhiều bàn cãi bởi chất lượng kém, huống hồ giáo án điện tử, khi năm học cận kề?

Về an ninh trật tự: Trong tình hình xã hội hết sức phức tạp, an ninh trật tự không được đảm bảo, vậy mà các trò mới 6,7,8 tuổi mang trong ba lô chiếc máy tính bảng vài ba triệu, liệu có gì để đảm bảo cho sự an toàn tính mạng của các cháu?

Về nhu cầu: Khi mà việc dạy và học ở các nước ta rất lạc hậu so với khu vực và các nước trên thế giới, nhiều vấn đề phải cải cách, nếu chỉ chop học sinh học qua máy tính bảng, thiết nghĩ thật nữa vời bởi chỉ giải quyết phần ngọn! Với giáo viên việc đào tạo cho mỗi người là quá tốn kém trong khi có nhiều giáo viên hiện nay mới sử dụng máy tính còn sơ đẳng.

Người dân có quyền nghi ngờ: Tôi rất đồng tình với một số ý kiến cho rằng “Đây là một đề án sặc mùi tiền(!)”. Nước ta có luật bất thành văn về vấn đề chi hoa hồng. Liệu mua 32.000 máy tính bảng những người đứng ra mua có được hưởng tiền hoa hồng. Nếu làm phép tính chắc số tiền rất lớn. Với 4.000 tỷ đồng qua nhiều khâu liệu có bị “chấm mút”? Tại sao phải cấp tập thực hiện đề án trong năm học 2014-2015 khi chưa có sự đồng thuận của phụ huynh và xã hội? Xin các nhà lãnh đạo và ban soạn thảo đề án này hãy vì dân một chút: Hãy đừng vì những gì đó mà phải thực hiện bằng được đề án này. Qủa non chín ép sẽ không ra gì bởi lợi thì có lợi nhưng răng không còn! Đừng biến dân và học trò thành “chuột bạch”! Có vậy mới nhân văn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm