Tại buổi hội thảo “Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM” ngày 18-7, các tham luận được trình bày tập trung vào các nội dung: i) xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giáo dục trên thế giới; ii) giải pháp quản lý lớp học được tích hợp trong chương trình giáo dục của Intel (Intel Education); iii) chương trình đào tạo giáo viên ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy và giải pháp SGK điện tử.
Một đề án, hai cách tiếp cận
Các đại biểu cũng được nghe đại diện NXB Giáo dục giới thiệu về nội dung SGK điện tử. Đồng thời trình diễn một tiết giảng trong chương trình môn tự nhiên-xã hội lớp 3 để làm ví dụ cho tính ưu việt của việc sử dụng SGK điện tử và máy tính bảng trong học tập và giảng dạy ở bậc tiểu học.
Một tháng sau, ngày 18-8, trong buổi hội thảo “SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” lần thứ hai, các đại biểu được nghe tham luận về xu hướng ứng dụng CNTT vào giáo dục ở một số nước châu Á, giải pháp lớp học thông minh (Smart School) của Samsung và các khái niệm cơ bản về SGK điện tử. Các đại biểu cũng được tham quan phòng học mẫu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đầu tư tại Sở GD&ĐT TP, sử dụng hai loại thiết bị máy tính bảng Samsung Galaxy Tab 10.1 và máy tính bảng của AIC Group 7.0 do Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất.
Đặc biệt, trong buổi hội thảo lần này, Công ty AIC đã đưa ra tổng mức đầu tư khoảng 3.900 tỉ đến 4.400 tỉ tương ứng với sáu phương án lựa chọn máy tính bảng.
Về hình thức, đây là hai buổi hội thảo do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức cùng về nội dung thí điểm SGK điện tử và máy tính bảng cho lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM. Bỏ qua những băn khoăn chung của các đại biểu về sự cần thiết phải đầu tư, lựa chọn đối tượng thí điểm, giá thành và nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về sức khỏe, tâm sinh lý và hình thành kỹ năng cho học sinh... có thể thấy hai buổi hội thảo là hai cách tiếp cận khác nhau về việc sử dụng SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh.
Tại hội thảo lần thứ nhất, với bề dày kinh nghiệm trong việc phát triển CNTT, ứng dụng CNTT vào giáo dục của Intel và sự hiểu biết sâu sắc của NXB Giáo dục với lịch sử 55 năm biên tập, xuất bản SGK, các tham luận đều nhấn mạnh đến yếu tố đào tạo, phát triển giáo viên và xây dựng nội dung SGK điện tử phù hợp cho các lớp 1, 2, 3 tiểu học.
Tại hội thảo lần thứ hai, là đơn vị kinh doanh thương mại chuyên nghiệp, Công ty AIC và các đối tác lại tiếp cận đề án từ góc độ đầu tư thiết bị CNTT đã đưa ra rất nhiều phương án tương ứng với các loại thiết bị khác nhau.
Hai cách tiếp cận này cũng là hai điểm khác biệt lớn nhất của các phương án đang được Sở GD&ĐT TP.HCM cân nhắc, lựa chọn để hoàn thiện đề án trình UBND TP.HCM và Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đầu tư 4.000 tỉ đồng: Đề án theo kiểu “đầu Ngô, mình Sở”
Đề án trình bày trong ngày 18-8 đã đưa ra sáu phương án lựa chọn máy tính bảng dẫn đến sáu phương án đầu tư khác nhau với tổng mức đầu tư từ 3.900 tỉ đến 4.400 tỉ đồng.
Mức đầu tư chia thành bảy hạng mục chính gồm: khảo sát, đánh giá hiện trạng giáo dục tiểu học; xây dựng tiêu chuẩn trường học mô hình mới; xây dựng SGK điện tử và các chương trình đào tạo; đầu tư hạ tầng CNTT cho các phòng, trường và Sở GD&ĐT; đầu tư trang thiết bị (bao gồm bộ thiết bị dùng chung và máy tính bảng); đầu tư cho các phòng họp trực tuyến; tổng kết đánh giá đề án. Trong tất các phương án, mức đầu tư cho SGK điện tử và máy tính bảng chỉ chiếm 25%-35% tổng mức đầu tư. Phần còn lại tập trung vào hạ tầng CNTT chung như bảng tương tác, hệ thống âm thanh, phòng họp trực tuyến...
Có hai hạng mục đầu tư rất được các chuyên gia giáo dục, đội ngũ giáo viên và các phụ huynh quan tâm là đào tạo giáo viên (sử dụng các thiết bị CNTT vào xây dựng giáo án và bài giảng, quản lý lớp học, tương tác trong lớp học, khai thác SGK điện tử...) và nội dung SGK điện tử lại không được nhắc đến cụ thể, rõ ràng mà được ẩn vào các hạng mục đầu tư thiết bị.
Dễ dàng nhận thấy đây là một đề án theo kiểu “đầu Ngô, mình Sở”. Tên đề án được đưa ra là “SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” nhưng nội dung chỉ tập trung vào đầu tư thiết bị CNTT chung và hạng mục đầu tư về nội dung SGK điện tử, máy tính bảng chiếm tỉ trọng thấp trong tổng mức đầu tư. Nói cách khác, đây là việc đầu tư bảng tương tác giống như các đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp” và “Phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi” mà Sở GD&ĐT TP.HCM đã triển khai trong năm 2013 đang có nhiều ý kiến phản hồi không tích cực nhưng ở quy mô gấp 10 lần với giá thành cao hơn.
Lựa chọn đúng cho tương lai
Các ví dụ về thành công hoặc thất bại ở các quốc gia trong việc triển khai SGK điện tử đều có nguyên nhân khác nhau và Việt Nam đi sau nên có thể học hỏi và rút kinh nghiệm cho mình.
Từ góc độ CNTT, có rất nhiều giải pháp lựa chọn để có mức đầu tư phù hợp mà vẫn đạt được mục tiêu cơ bản của đề án: giảm gánh nặng trên vai các em thơ và tăng cường tính chủ động của người học.
Hiện tại, việc sử dụng SGK điện tử và máy tính bảng trong học tập, giảng dạy, đặc biệt là nâng cao tương tác trong lớp học có ít nhất ba phương án lựa chọn.
Ngoài phương án đầu tư tổng thể như được trình bày trong buổi hội thảo ngày 18-8, Sở GD&ĐT TP.HCM nên tham khảo các mô hình: i) Tương tác lớp học chỉ sử dụng máy tính bảng và máy tính xách tay, ii) Mô hình tương tác lớp học sử dụng máy tính bảng, máy tính xách tay và máy chiếu.
Các mô hình này có thể giảm tổng mức đầu tư của đề án xuống còn khoảng 35%-40% so với tổng mức đầu tư 4.400 tỉ đồng. Đây cũng là ý kiến của ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khi cho rằng cần phải liệu cơm gắp mắm để tạo được đồng thuận xã hội, còn chờ đợi đến khi đủ hết các điều kiện thì hết cơ hội.
HOÀNG TRỌNG NGHĨA
Trang bị máy tính bảng ở các nước Các nước trên thế giới từng đặt nhiều tham vọng khi thực hiện chương trình trang bị máy tính bảng (MTB) cho học sinh và đã, đang gặp phải không ít khó khăn. Hiện các chương trình này tồn tại như thế nào? Có khả thi hay không khi áp dụng ở nước ta? Hàn Quốc, một đất nước phát triển về CNTT với nhiều thiết bị công nghệ hiện đại nhưng hiện đang phải xây dựng nhiều trung tâm cai nghiện thiết bị hiện đại cho người dân. Ấn Độ, tháng 3-2013, ngành giáo dục nước này đã đưa 100.000 MTB vào các nhà trường. Ấn Độ là đất nước có MTB rẻ nhất thế giới, có chương trình trang bị 5 triệu MTB cho học sinh. Tuy nhiên, việc trang bị MTB gặp không ít khó khăn vì việc đào tạo giáo viên sử dụng công nghệ mới có thể phải mất nhiều năm, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, không đáp ứng các yêu cầu cần thiết. Trung Quốc có chương trình số hóa ngành giáo dục. Nhiều địa phương mua MTB, thiết bị số cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, việc lắp đặt mạng, thiếu nguồn vốn để mua SGK điện tử… hay đơn giản ổ cắm điện trong lớp học để sạc pin máy tính cũng không được đầy đủ. Nhiều phụ huynh lo ngại việc lạm dụng Internet có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy, nhiều học sinh lạm dụng MTB để giải trí thay vì mục đích học tập. Thổ Nhĩ Kỳ trang bị 17 triệu MTB cho 42.000 trường học ở mọi cấp độ cho giai đoạn 2011-2015. Nội dung đề án nhiều tham vọng này do chính phủ khởi xướng. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do Bộ Giáo dục thực hiện cho thấy ngoài khả năng giúp nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ, MTB không giúp nhiều cho khả năng học ngoại ngữ, hoàn thiện các kỹ năng học tập khác. Nhiều giáo viên và học sinh cho rằng việc cung cấp MTB là không đầy đủ. Thái Lan thực hiện chương trình mỗi trẻ một MTB do chính phủ cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khởi xướng. Nhà nước trang bị cho mỗi học sinh lớp 1 (và sau này là lớp 7) ở các trường công một MTB bằng tiền do nhà nước cấp. Trong năm 2012, khoảng 860.000 học sinh lớp 1 đã nhận được MTB. Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, chương trình này gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, từ vấn đề tham nhũng cho đến những thiết bị chất lượng kém. Hồi tháng 6, chính quyền tuyên bố hủy bỏ chương trình mua MTB cho học sinh, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 tới. QA (Theo bản tin thời sự trưa 20-8 của VTV1) |