Trước đó đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” của Sở GD&ĐT TP.HCM đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận báo chí và nhân dân.
Theo đề án trên, toàn bộ sách giáo khoa (SGK) truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng. Cũng theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỉ đồng cho 327.127 học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 3, trong đó có 5.334 HS thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước chi.
Bài báo trên của Pháp Luật TP.HCM đã phân tích những yếu tố thiếu khoa học của đề án, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ và gây thêm gánh nặng cho phụ huynh HS. Bởi theo đề án này, phụ huynh TP.HCM sẽ phải chi 4.000 tỉ đồng cho việc thay vì cầm SGK truyền thống thì cầm máy tính bảng có chứa nội dung SGK và dĩ nhiên có thêm một số kiến thức bên ngoài và những hoạt động tương tác giữa thầy-trò và trò với trò.
Theo bài báo, bộ SGK điện tử được gắn khá chặt chẽ với việc bán công nghệ điện tử cho các trường và bán máy tính bảng đến từng HS. Xuyên suốt trong đề án được công bố, nội dung chi tiền chiếm phần chủ đạo, còn việc giải thích cho công luận hiểu: Nội dung cụ thể của SGK điện tử gồm những phần nào, học ra sao, mang lại lợi ích thế nào cho HS và quan trọng các em sẽ học bằng máy tính bảng bao nhiêu giờ trong một ngày, có ảnh hưởng sức khỏe tới đâu…, tức là hiệu quả và hạn chế của đề án thì chỉ được nêu lên dưới dạng những khẩu hiệu chứ không có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và sòng phẳng trước dư luận.
TỐ NHƯ - PV