1.Không gian tiệm nước còn được gọi đơn giản là Sài Gòn tạp văn tập hợp 26 tác giả, cũng là 26 tính cách đại diện cho các vùng miền khác nhau cùng “nhìn về” Sài Gòn. Hầu hết những tác giả trong Không gian tiệm nước đều không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Nhưng họ cùng gặp nhau trong cuốn sách này vì tình yêu Sài Gòn.
Sài Gòn, theo “định nghĩa” của họa sĩ Lê Thiết Cương khi ông so sánh với Hà Nội: “Hà Nội là cục nam châm hút tinh hoa của mọi miền. Cái riêng của Hà Nội là riêng của nhiều chung. Sài Gòn không là cục nam châm. Chất cởi mở của người Sài Gòn làm cho mọi người từ khắp nơi tự đến với Sài Gòn. Người thành công đã đành mà ngay cả những người thất bại cũng tìm đến đây để làm lại”.
PGS-TS Huỳnh Như Phương và nhà thơ Ngô Liêm Khoan (bìa trái) trong buổi ra mắt Sài Gòn tạp văn
Bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương mang cái tên rất “vĩ mô”, như một “luận văn”: Sài Gòn - Vùng văn hóa đa văn hóa. Đấy là cách nhìn từ xa của một họa sĩ thường lui tới Sài Gòn. Với những người sinh sống quanh năm ở thành phố này, thì Sài Gòn đôi khi nằm trong những gì “nho nhỏ”, nhỏ như không gian be bé của một tiệm nước. Nhà thơ Trần Tiến Dũng đã nhìn thấy văn hóa, tính cách của Sài Gòn ở những tiệm nước như thế. Và bài Không gian tiệm nước của ông đã được dùng để đặt tên cho cuốn sách này.
Vì sao tiệm nước lại quan trọng trong văn hóa của người Sài Gòn như vậy? Người viết bài này thử làm một phép so sánh vui vui khi có dịp đến thủ đô Hà Nội. Người Hà Nội thường mời khách phương xa về nhà để giới thiệu mái ấm của mình - cũng là thể hiện sự trân trọng với khách. Người Sài Gòn thì ngược lại, họ thường mời khách ra tiệm nước, rồi nhà ai nấy về. Điều này thể hiện phần nào tính “bất định” của người Sài Gòn. Nói thế không phải người Sài Gòn ít hiếu khách. Bởi vì, có thể hôm nay, hai người cùng “làm người Sài Gòn” nhưng ngày mai không thể biết họ sẽ “định cư” nơi nào. Ngày hôm nay, có thể họ “thường trú” quận này nhưng mai đây họ sẽ dời đi quận khác. Vậy thì biết nhà nhau cũng... chẳng để làm gì!
2. Sài Gòn tạp văn Không gian tiệm nước còn thể hiện được tính cách của từng người viết do văn hóa nơi họ sinh trưởng quy định. Với những tác giả sinh sống lâu năm ở Sài Gòn, thì thành phố này bao gồm những gì nhỏ nhất như chuyện đi chợ mua mớ rau, con cá đồng của nhà thơ Lê Giang. Hoặc một gian phòng nhỏ tranh tối tranh sáng ở khu Chợ Lớn của Phan Triều Hải. Hay một “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” của Đoàn Tú Anh, dù đường Duy Tân nay đã đổi tên thành Phạm Ngọc Thạch.
Sài Gòn đôi khi chỉ nằm trong các bài hát của một nhạc sĩ. Riêng PGS-TS Huỳnh Như Phương thì Sài Gòn nằm trong âm nhạc của Từ Công Phụng. Đôi khi chỉ là một góc ngồi riêng mang tên Cà phê 7x của Ngô Liêm Khoan...
Sài Gòn với những tác giả như thế còn là những kỷ niệm. Tác giả Nguyễn Ngọc Hà được xem là người “Sài Gòn gốc” duy nhất góp mặt trong cuốn sách này, vì chị sinh ra và lớn lên ở đây. Kỷ niệm của Nguyễn Ngọc Hà với Sài Gòn không chỉ ở khu Eden vàng son một thuở với chiếc áo mưa giá gần lượng vàng được người cha mua tặng chị, sau hơn 30 năm chiếc áo mưa ấy vẫn còn giá trị sử dụng. Kỷ niệm còn là một ngôi chợ trong ký ức mang tên Xóm Chiếu rất... Sài Gòn.
Nhạc sĩ Dương Thụ muốn học theo nhà văn Vũ Bằng - tác giả Thương nhớ mười hai - để ông Thương nhớ mười ba. Theo Dương Thụ, cái gì có ở Hà Nội đều có “chút chút” - ngoại trừ tiết trời - ở Sài Gòn khiến ông không nguôi nhớ thương Hà Nội dù một năm ông về Hà Nội rất nhiều lần.
Hình như vậy, Sài Gòn rất chung nhưng cũng rất riêng của mỗi người. Nhà thơ Lê Minh Quốc viết dạng “khảo cứu” khá công phu để đưa ra Tính cách người Sài Gòn. Nhưng nói đơn giản như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt Sài Gòn tạp văn: “Nếu đội bóng đá của Sài Gòn gặp đội của Nghệ An, Huế hay Thanh Hóa trên sân Thống Nhất TP.HCM, thì chắc chắn cổ động viên của Nghệ An, Huế, Thanh Hóa đông hơn cổ động viên đội Sài Gòn dù tất cả đều sinh sống tại Sài Gòn”. Phải chăng đó là tính cách, nét văn hóa của người Sài Gòn? Người viết bài này chỉ biết rằng khi khép lại từng trang sách của Sài Gòn tạp văn mà thấy rưng rưng!
Theo Trần Hoàng Nhân (TT&VH)