Vợ chồng vượt lên nghịch cảnh với 20 năm làm nghề khảm trai

(PLO)- Gắn bó với nghề khảm trai hơn 20 năm, đôi vợ chồng khuyết tật ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã biến những mảnh trai, vỏ ốc thành các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo có giá lên đến hàng chục triệu đồng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại một góc nhỏ ở phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, anh Nguyễn Mậu Thành (44 tuổi) và chị Phạm Thị Bé (39 tuổi) đang viết nên một câu chuyện tình yêu đẹp, đầy nghị lực về một cặp vợ chồng khuyết tật vượt lên tất cả, gắn bó hơn 20 năm với nghề khảm trai.

Cặp vợ chồng khuyết tật hơn 20 năm gắn bó với nghề khảm trai
Những tác phẩm khảm trai nhiều màu sắc, được vợ chồng anh Mậu và chị Bé làm ra từ những loại vỏ ốc, vỏ trai. Ảnh: B.T

Mảnh ghép hạnh phúc

Ngồi khảm trai trong căn nhà nhỏ, anh Thành tâm sự khi lên 5 tuổi, căn bệnh bại liệt kéo dài đã khiến đôi chân của anh ngày càng bị teo tóp, việc đi lại cũng dần khó khăn. Năm 2002, dù thi đậu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chuyên ngành cơ điện, điện tử nhưng vì nhà quá nghèo nên anh đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ.

“Sau khi nghỉ học, cuối năm 2002, tôi xin vào phụ làm việc vặt ở một xưởng mộc và may mắn được chủ xưởng truyền cho nghề khảm trai. Tôi cũng thấy nghề thủ công mỹ nghệ này không tốn quá nhiều sức lực và khá phù hợp với người khuyết tật như tôi” - anh Thành chia sẻ.

Trong quá trình học nghề và làm việc, đến năm 2010, cơ duyên đã giúp anh Thành gặp chị Phạm Thị Bé (quê ở Hà Nội, cũng là người khuyết tật ở chân) đến làm các sản phẩm khảm trai tại xưởng và nên duyên vợ chồng.

“Tôi theo nghề khảm trai từ những năm cấp hai, khi chủ xưởng nhận công trình ở đâu thì tôi thường đi theo để làm. Sau nhiều năm bôn ba, tôi gặp anh Thành ở Quảng Bình và kết hôn ở tuổi 25.

Gia đình hai bên tuy ủng hộ nhưng cũng lo lắng vì cả hai đều là người khuyết tật. Nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi quyết tâm đến với nhau và cùng nhau xây dựng tổ ấm với nghề khảm trai” - chị Bé nói.

cap-vo-chong-khuyet-tat-hon-20-nam-gan-bo-voi-nghe-kham-trai.JPG
Theo anh Thành, các công đoạn của nghề khảm trai như cưa trai theo mẫu vẽ, đục gỗ, gắn trai vào gỗ, mài khảm, đánh bóng, tỉa led để làm nổi bật các họa tiết… luôn đòi hỏi một sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Ảnh: B.T

Cứ như vậy, ngày qua ngày, trong khoảnh sân nhỏ trước nhà, gạt bỏ đi những khiếm khuyết và cơn đau ở đôi chân, vợ chồng anh Thành và chị Bé lại chia nhau làm từng công đoạn để hoàn thiện các sản phẩm khảm trai theo yêu cầu của gần 20 xưởng mộc trên địa bàn TP Đồng Hới.

Đối với anh chị, nghề khảm trai đến giờ không chỉ giúp anh chị mưu sinh, nuôi dạy con cái mà còn là niềm đam mê, là mảnh ghép kết nối tình yêu và nghị lực để họ không trở thành gánh nặng của xã hội.

Chia sẻ về vợ chồng anh Thành và chị Bé, anh Phan Văn Nam (43 tuổi), chủ một xưởng mộc tại xã Đức Ninh, TP Đồng Hới cho hay trên địa bàn thành phố, hiện có khoảng năm cơ sở nhận làm các sản phẩm khảm trai theo yêu cầu từ các xưởng mộc.

"Tôi phải công nhận rằng các sản phẩm khảm trai được vợ chồng anh Thành làm ra rất sáng tạo, tỉ mỉ và rất có hồn. Chưa kể đến là các sản phẩm được vợ chồng này làm hoàn toàn bằng thủ công, không dùng máy để cắt trai như các cơ sở khác.

Do đó, hàng năm, tôi đặt vợ chồng anh Thành làm rất nhiều các sản phẩm khảm trai cho nhiều vật dụng khác nhau như tủ thờ, khay, xuyên ba, tranh treo tường... với giá trị cao" - anh Nam nói.

Sản phẩm tinh xảo, đậm văn hoá Việt

Bên cạnh là sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp, những bức tranh, vật dụng hay đồ trang trí được khảm trai từ đôi tay khéo léo vợ chồng anh Thành được đánh giá là mang đậm giá trị văn hóa người Việt. Trong từng sản phẩm, người xem có thể cảm nhận được tâm huyết, sự tận tụy và tình yêu nghề của đôi vợ chồng.

Qua chia sẻ với phóng viên, anh Thành và chị Bé cũng tự hào rằng mỗi tác phẩm làm ra không chỉ là sự kết hợp giữa gỗ và vỏ trai, mà còn là câu chuyện về tình yêu, nghị lực và khát vọng vượt qua nghịch cảnh.

cap-vo-chong-khuyet-tat-hon-20-nam-gan-bo-voi-nghe-kham-trai (4).jpg
Một tác phẩm khảm trai mang đậm nét văn hóa của người Việt được vợ chồng anh Thành và chị Bé hoàn thiện sau gần một tháng miệt mài. Ảnh: B.T

“Một tác phẩm khảm trai có giá trị từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tùy thuộc vào độ phức tạp, giá trị gỗ, vỏ trai và thời gian hoàn thành. Do đó, nghề khảm trai cũng giúp vợ chồng tôi ổn định cuộc sống và phần nào đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống của ông cha, cũng như những nét văn hoá của người Việt trong từng chi tiết” - anh Thành chia sẻ.

Cũng theo anh Thành, công việc khảm trai đòi hỏi người làm phải khéo tay, sáng tạo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết mới có thể tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Để có tác phẩm khảm trai đẹp, chất lượng cần phải vẽ mẫu ra giấy trước. Sau đó, so sánh các bản mẫu để đánh giá và lựa chọn ra những mẫu phù hợp với mục đích sử dụng của từng sản phẩm gỗ.

"Tiếp đó, các công đoạn như cưa trai theo mẫu vẽ, đục gỗ, gắn trai vào gỗ, mài khảm, đánh bóng, tỉa led để làm nổi bật các họa tiết… cũng đòi hỏi một sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Đặc biệt, không giống như những nghề thủ công khác, nghề khảm trai đòi hỏi người làm phải có sự kiên trì, tỉ mỉ, và không ngại khó" anh Thành nói.

cap-vo-chong-khuyet-tat-hon-20-nam-gan-bo-voi-nghe-kham-trai (2).JPG
Hơn 20 năm gắn bó với nghề khảm trai, vợ chồng chị Bé đã cho ra thị trường nhiều sản phẩm nghệ thuật khảm trai có giá trị cao. Ảnh: B.T

Hơn 20 năm gắn bó với nghề khảm trai, những tác phẩm của anh chị cũng đã được các cửa hàng trong và ngoài tỉnh, nhất là các tỉnh phía Bắc tìm đến.

Ngoài các xưởng mộc đặt hàng thì nhiều người dân cũng chủ động đến tận nhà anh chị để đặt làm các sản phẩm khảm trai tinh xảo. Nhờ đó, vợ chồng anh chị cũng có việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Bùi Ngọc Quýt, Chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông, thông tin: "Trước đó, vợ chồng anh Thành thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng với sự nỗ lực và ý chí quyết tâm, hai vợ chồng đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống.

Thời điểm hai vợ chồng xây nhà, phường cũng đã đề xuất với các cấp uỷ, UBMTTQ của thành phố, trích kinh phí địa phương hỗ trợ số tiền hàng chục triệu đồng để giúp đỡ hai vợ chồng. Đến nay, hai vợ chồng cũng cơ bản có cuộc sống ổn định, đứa con gái đầu có thành tích học tập rất tốt với nhiều năm liền là học sinh giỏi".

Lan toả giá trị tích cực cho cộng đồng

Vợ chồng anh Thành và chị Bé là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) thanh niên khuyết tật TP Đồng Hới. Đây là CLB hoạt động vì người khuyết tật. Hiện tại CLB có 60 thành viên, trong đó có khoảng 60% còn khả năng đi lại.

Những năm qua, CLB luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ vốn vay, giúp các thành viên xây dựng 40 mô hình sinh kế, tìm việc làm phù hợp. Từ đó, nhiều thành viên nỗ lực vươn lên để làm chủ về kinh tế, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong số đó, vợ chồng anh Thành và chị Bé là một trong những tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó, góp phần lan toả giá trị tích cực cho cộng đồng”.
Anh NGUYỄN VIẾT QUÂN, Chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật TP Đồng Hới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm