Sau 5 năm khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo, điện Kiến Trung - một trong những 5 di tích quan trọng nằm trên trục thần đạo của Tử Cấm Thành (Huế) từ một nền móng được trả lại dáng vẻ của một cung điện nguy nga, lộng lẫy.
Từ một nền móng thành cung điện nguy nga
Điện Kiến Trung là tên gọi phổ biến hiện nay của ngôi điện theo phong cách Á - Âu được xây dựng tại Hoàng Thành vào thời Nguyễn. Tên gọi trong sử sách triều Nguyễn là Kiến Trung Lâu.
Ngôi điện được khởi công xây dựng vào tháng 2-1921, đến năm 1923 hoàn tất với tổng diện tích mặt nền hơn 1.000m2. Trước đây, khi chưa xây dựng điện Kiến Trung, vị trí này là lầu Minh Viễn (xây dựng từ năm 1827 dưới thời Minh Mạng), sau đó là lầu Du Cửu (xây dựng từ năm 1913 dưới thời Duy Tân).
Sau khi xây dựng xong, điện Kiến Trung được sử dụng làm nơi sinh hoạt và làm việc của vua Khải Định (1916-1925). Đến thời Bảo Đại (1926-1945), đây còn là nơi sinh sống của nhà vua với Hoàng hậu Nam Phương cùng 5 người con.
Năm 1947, điện Kiến Trung bị chiến tranh phá hủy, chỉ còn lại phần nền móng cùng một phần tường bao, bậc cấp. Đến năm 2013, dự án khôi phục điện Kiến Trung được khởi động và chính thức khởi công bảo tồn phục hồi từ năm 2019.
Sau 5 năm khởi công, điện Kiến Trung đã hoàn thành vào đầu năm 2024, trở thành ngôi "biệt điện" nguy nga tráng lệ, đậm nét Á – Âu giao hòa.
"Điện Kiến Trung là công trình mang đầy đủ những đặc điểm của phong cách kiến trúc Á - Âu, từ vật liệu xây dựng đến các kiểu thức chi tiết kiến trúc, hoa văn trang trí theo các đề tài truyền thống mang nặng dấu ấn của vua Khải Định.
Cùng một số công trình cùng được xây dựng dưới thời Khải Định, ngôi điện này đã tạo điểm nhấn trong kiến trúc cung đình triều Nguyễn (đầu thế kỷ XX) trên vùng đất cố đô Huế" - lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ.
Một điểm nhấn thu hút du khách khi đến Đại nội Huế
Sau khi hoàn tất trùng tu, điện Kiến Trung đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, khám phá. Nơi đây còn là nơi tổ chức các hoạt động quan trọng trong Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 tổ chức hồi tháng 6 vừa qua.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết có thể xem điện Kiến Trung là một điểm nhấn đặc biệt trong phối cảnh hoàng cung.
Điểm nhấn đặc biệt của lầu Kiến Trung trong tổng thể kiến trúc ở Hoàng thành đó là ngôi "biệt điện" đặc trưng đậm nét Á - Âu, với quy mô lớn nhất trong những phong cách kiến trúc Á - Âu kết hợp ở hoàng cung Huế.
Nơi đây thể hiện rất đặc trưng vẻ đẹp tân cổ điển, vừa cổ kính vừa hiện đại, tạo nên sự khác biệt, góp phần tạo nên phong cách kiến trúc đặc biệt có tính điển hình về trang trí sành sứ - nghệ thuật đặc sắc triều Nguyễn.
"Việc lựa chọn điện Kiến Trung để tổ chức một số sự kiện lớn của tỉnh như lễ khai mạc Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế, Triển lãm "Cổ vật hội tụ" mang nhiều ý nghĩa khá đặc biệt. Đó là việc giới thiệu về những thành quả cũng như nỗ lực không ngừng của Thừa Thiên Huế trong công tác bảo tồn và phát huy di sản cố đô Huế.
Thông qua đó còn quảng bá một điểm đến mới trong hành trình khám phá Hoàng cung Huế cho du khách" - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nói và cho biết thời gian tới, trung tâm tiếp tục bổ sung hiện vật trưng bày về đời sống sinh hoạt và làm việc thường nhật của các vua Khải Định, Bảo Đại cùng gia đình vua Bảo Đại tại lầu Kiến Trung.
Đồng thời, đơn vị cũng định hướng tại không gian tầng 2 của ngôi điện sẽ xây dựng chủ đề trưng bày theo hướng "Bảo tàng gốm sứ châu Âu" (nguồn hiện vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế - đơn vị trực thuộc Trung tâm) gồm các hiện vật mang tính bang giao qua hình thức biếu tặng của các nước cho các thời vua.
"Một số nội dung phù hợp sẽ xây dựng các chủ đề gắn với sử dụng công nghệ để trưng bày bổ sung qua các hình thức. Một số chương trình nghệ thuật sẽ được nghiên cứu để tương tác nhằm quảng bá và khai thác không gian ban đêm của điện Kiến Trung cũng như Hoàng cung Huế" - lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhấn mạnh.