Cặp vợ chồng “vầng trăng khuyết” thu nhập tiền tỉ mỗi năm

(PLO)- Từ người khuyết tật đi xin việc khó khăn, không mấy người muốn nhận, vợ chồng anh chị thuê đất làm vườn, trồng rau, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người khuyết tật khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2023, anh Lê Công Hoan (51 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là cá nhân được giới thiệu tham gia xét chọn danh hiệu Công dân ưu tú của tỉnh.

Không đầu hàng số phận

Anh Lê Công Hoan là con út trong gia đình nghèo có 11 người con ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Cha anh mất khi mẹ mang bầu anh được ba tháng. Đến khi được hơn một tuổi, anh sốt cao và bị biến chứng khiến chân phải không đi lại được, phải nằm một chỗ và dần dần teo lại. Gia đình dù rất khó khăn cũng cố gắng tìm cách điều trị cho anh, mãi đến năm bốn tuổi, anh mới tự đi lại được bằng mũi chân.

Câu chuyện lập nghiệp của vợ chồng anh Hoan khiến nhiều người xúc động, có thêm niềm tin cho người khuyết tật vượt lên nghịch cảnh, sống có ích.

Sau đó, gia đình anh Hoan chuyển lên vùng kinh tế mới ở một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Cuộc sống của gia đình anh hết sức khó khăn, thiếu thốn. Anh học đến lớp 9 thì phải nghỉ học vì sức khỏe yếu, di chuyển khó khăn và trường ở quá xa...

Rồi anh chị em trong gia đình anh Hoan lần lượt có gia đình riêng. Nghĩ mẹ ngày càng già yếu, anh chị cũng không thể cưu mang mình mãi nên anh quyết định đi tìm việc làm. Năm 2002, anh vào Vũng Tàu làm thuê. Trước anh, một người anh cũng đã rời quê vào Vũng Tàu mưu sinh.

Anh Hoan đi xin việc khắp nơi nhưng không ai nhận vì thấy anh đi lại khó khăn. Sau đó, anh được người anh họ nhận vào làm thuê ở vườn hoa. Hằng ngày công việc của anh là nhổ cỏ, chăm sóc vườn hoa. Biết mình thua kém mọi người về sức khỏe, anh luôn chu đáo, cần cù, nhẫn nại làm việc.

Vợ chồng anh Lê Công Hoan trong dịp ra Hà Nội tham dự chương trình “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” năm 2022. Ảnh: NVCC
Vợ chồng anh Lê Công Hoan trong dịp ra Hà Nội tham dự chương trình “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” năm 2022. Ảnh: NVCC

Sau ba năm, anh chỉ được trả 11 triệu đồng tiền công trừ chi phí ăn uống, đi lại. Anh suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm tìm thuê một mảnh đất ở khu Chí Linh, phường 10, TP Vũng Tàu để mua giống về trồng hoa bán vào các dịp lễ, Tết.

Để có tiền chăm sóc mảnh vườn, anh Hoan tiết kiệm tối đa chi phí ăn uống, sinh hoạt và tự dựng tạm một lán nhỏ để ngủ.

“Nghĩ là làm và quyết tâm làm không bỏ cuộc nhưng khi làm rồi tôi mới thấy vô vàn khó khăn với một người khuyết tật, sức khỏe yếu như tôi. Có lúc túng thiếu, tôi chỉ dám mua mì tôm về ăn sống rồi uống nước cho no, lấy sức làm vườn. Cũng may mắn tôi được chủ đất tạo điều kiện tối đa để làm...” - anh Hoan nhớ lại.

Mối duyên lành cùng người vợ tào khang

Mỗi khi nhắc đến người vợ tào khang - chị Phạm Thị Tư (39 tuổi, quê Hà Tĩnh), anh Hoan luôn cười hạnh phúc và dành cho chị những lời tốt đẹp nhất.

Anh chia sẻ năm 2006 trong một lần rảnh rỗi, anh đi uống nước gần chợ Rạch Dừa. “Một lần tôi ghé vào xóm trọ gần chợ, tình cờ đến xóm vợ tôi ở, khi đó đang làm công nhân giày da. Đứng ngoài cửa sổ tôi giả bộ lấy cớ làm quen, hỏi ở đây còn phòng cho thuê không rồi xin uống nhờ miếng nước.

Vậy rồi cô ấy cũng thương, mời ly nước rồi hỏi han, chia sẻ. Từ đó biết và siêng đi lại, giúp đỡ rồi thương nhau. Đến năm 2008 thì cô ấy nghỉ làm, về ở với tôi. Lúc ấy khó khăn quá không có đám cưới như bao cặp đôi khác, chỉ thưa chuyện với gia đình ngoài quê...” - anh Hoan kể.

Anh Hoan cho biết anh không làm nhiều, chỉ tính toán phía sau, còn lại việc làm vườn, trồng hoa, cắt rau, bỏ mối sớm khuya vất vả mình vợ anh lo hết, làm hết.

“Tôi có được như hôm nay là nhờ cô ấy. Niềm vui, hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi vợ tôi sinh một cháu trai kháu khỉnh, dễ thương. Đó là niềm vui, tự hào lớn nhất với tôi sau bao năm...” - anh Hoan vui mừng nói.

Câu chuyện của vợ chồng anh Hoan tạo thêm niềm tin cho người khuyết tật vượt lên nghịch cảnh, sống có ích. Ảnh: KHÁNH LY
Câu chuyện của vợ chồng anh Hoan tạo thêm niềm tin cho người khuyết tật vượt lên nghịch cảnh, sống có ích. Ảnh: KHÁNH LY

Năm 2019, anh Hoan khi đó là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Anh được hội xét duyệt cho vay với số vốn 150 triệu đồng. Vợ chồng anh sử dụng nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, thuê thêm đất trồng hoa và nhiều loại rau sạch.

Sau một thời gian cần cù lao động, công việc làm ăn của vợ chồng anh Hoan ngày càng thuận lợi. Từ mảnh vườn nhỏ chỉ có hai vợ chồng, đến nay cơ sở của anh đã mở rộng hơn và có 15 người làm việc, trong đó có năm người khuyết tật.

Các nhân công đều được anh Hoan dạy nghề trồng hoa nhiều năm liền. Mức thu nhập của mỗi người là 9 triệu đồng/tháng. Trong đó có hai người tự tách ra làm vườn hoa riêng và cũng rất thành công.

Đến nay, trừ các chi phí, vợ chồng anh Hoan thu nhập từ vườn hoa và rau sạch khoảng 1 tỉ đồng/năm.

Hỗ trợ người khuyết tật giống mình

Thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Hoan đã hỗ trợ xây căn nhà tình thương cho một cặp vợ chồng người khuyết tật ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học và các cụ già neo đơn...

Cuối năm 2022, vợ chồng anh Hoan là vợ chồng người khuyết tật duy nhất của tỉnh được Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi Việt Nam mời tham dự chương trình “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” tại Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm