Cách tính lương hưu theo Luật BHXH 2024

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cách tính lương hưu đối với người lao động trong điều kiện bình thường và người nghỉ hưu trước tuổi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 có hiệu lực từ 1-7-2025, quy định người lao động đáp ứng 2 điều kiện về tuổi (nam 62 nữ 60) và có thời gian tham gia BHXH ít nhất 15 năm được hưởng lương hưu.

Để triển khai quy định này, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng thông tư hướng dẫn.

Giới hạn số tháng đóng BHXH còn thiếu

Theo Luật BHXH mới, lao động nữ đủ điều kiện nhận lương hưu thì tỉ lệ hưởng lương hưu bằng 45%, tương ứng 15 năm đóng BHXH. Lao động nam đủ điều kiện nhận lương hưu tỉ lệ hưởng lương hưu sẽ bằng 40%, tương ứng với 15 năm đóng BHXH.

Cả lao động nam và nữ sau khi đạt tỉ lệ hưởng lương hưu bằng 45%, cứ mỗi năm đóng thêm sẽ được cộng 2%. Trong đó, lao động nam cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%, lao động nữ cần đóng BHXH 30 năm để đạt mức tối đa 75%.

Riêng đối tượng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên phải có thời gian đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được nhận lương hưu.

hướng dẫn cách tính lương hưu
Người già nhận lương hưu. Ảnh: N.LONG

Để triển khai quy định trên, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo thông tư hướng dẫn. Theo đó, người lao động đủ điều kiện về tuổi hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu. Mức đóng bằng tổng mức đóng hằng tháng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi nghỉ việc.

Như vậy, người lao động bắt buộc phải có thời gian tham gia BHXH “từ đủ 14 năm 6 tháng”, số tháng còn thiếu có thể đóng một lần để nhận lương hưu.

Riêng đối tượng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, phải có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 19 năm 6 tháng, số tháng còn thiếu có thể đóng một lần để hưởng lương hưu.

Cách tính lương hưu

Về công thức tính lương hưu, Bộ LĐ-TB&XH ví dụ: Bà A 55 tuổi, làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, có 32 năm 4 tháng đóng BHXH bắt buộc, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1-10-2025.

Tỉ lệ hưởng lương hưu của bà A được tính như sau: 15 năm đầu được tính bằng 45%; Từ năm thứ 16 đến năm thứ 32 là 17 năm, tính thêm 17 x 2% = 34%; 4 tháng được tính là nửa năm, tính thêm 0,5 x 2% = 1%. Như vậy, tổng các tỉ lệ trên là: 45% + 34% + 1% = 80% (chỉ tính tối đa bằng 75%).

Bà A nghỉ hưu trước tuổi quy định (56 tuổi 8 tháng) là 1 năm 8 tháng nên tỉ lệ hưởng lương hưu tính giảm 2% + 1% = 3%.

Như vậy, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A là 75% - 3% = 72%. Ngoài ra, do bà A có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm (2 năm 4 tháng), nên ngoài lương hưu bà còn được hưởng trợ cấp một lần là 2,5 năm x 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Tương tự, ông B, 61 tuổi 3 tháng, làm việc trong điều kiện bình thường, có 18 năm 4 tháng đóng BHXH bắt buộc, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1-9-2025.

Tỉ lệ hưởng lương hưu của ông B được tính như sau: 15 năm đầu được tính bằng 40%; Từ năm thứ 16 đến năm thứ 18 là 3 năm, tính thêm 3 x 1% = 3%; 4 tháng được tính là nửa năm, tính thêm 0,5 x 1% = 0,5%. Tổng các tỉ lệ trên là 40% + 3% + 0,5% = 43,5%.

Như vậy, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông B là 43,5%.

Với cách tính trên, ông K nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 4-2027 khi đủ 55 tuổi. Ông Q có 30 năm đóng BHXH, trong đó có 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; bị suy giảm khả năng lao động 81%. Tỉ lệ hưởng lương hưu của ông K được tính như sau: 20 năm đầu được tính bằng 45%; Từ năm thứ 21 đến năm thứ 30 là 10 năm, tính thêm 10 x 2% = 20%; tổng hai tỉ lệ trên là 45% + 20% = 65%

Ông K nghỉ hưu trước tuổi 56 tuổi 9 tháng (tuổi nghỉ hưu năm 2027 của người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) là 1 năm 9 tháng nên tỉ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 2% + 1% = 3%.

Như vậy, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông K là 65% - 3% = 62%.

Về chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH cho biết mỗi năm đóng BHXH cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Còn khi đủ tuổi nghỉ hưu mà người lao động không hưởng lương hưu ngay mà tiếp tục đóng cao 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ sẽ được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Ví dụ: Ông D làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu có 38 năm đóng BHXH nhưng ông D không nghỉ việc hưởng lương hưu mà tiếp tục làm việc và đóng BHXH thêm 3 năm mới nghỉ việc hưởng lương hưu. Khi nghỉ việc hưởng lương hưu, ông D có tổng thời gian đóng BHXH là 41 năm.

Như vậy, ngoài lương hưu, ông D còn được hưởng trợ cấp một lần được tính như sau: 3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (3 năm x 0,5 = 1,5).

3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng hai lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (3 năm x 2 = 6).

“Như vậy, ông D được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 7,5 (1,5 + 6) lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH…”- đại diện Bộ LĐ-TB&XH đưa ra ví dụ cách tính.

Quy định về thời điểm hưởng lương hưu

Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp người lao động tiếp tục làm việc và đóng BHXH bắt buộc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt làm việc.

Ví dụ: Ông A sinh ngày 10-10-1964, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng BHXH bắt buộc là 25 năm. Thời điểm hưởng lương hưu của ông A được tính từ tháng 5-2026.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm