Chuẩn bị thay đổi cách tính tiền lương hưu đối với khu vực Nhà nước

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH cho biết theo quy định hiện hành, tiền lương khu vực nhà nước được tính theo số năm cuối trước thời điểm nghỉ hưu, nhưng tới đây sẽ thay đổi khi Nhà nước thực hiện cải cách tiền lương từ 1-7.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước từ 1-7-2024. Tuy nhiên, dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024), chưa cập nhật, đánh giá tác động toàn diện đầy đủ của việc thực hiện cải cách tiền lương.

Cải cách tiền lương sẽ “không còn mức lương cơ sở”

Để đồng bộ trong chính sách trên, mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với khu vực nhà nước.

Trả lời về các vấn đề trên, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 62 và Điều 63 của Luật BHXH năm 2014, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương để tính lương hưu là tiền lương bình quân tháng của số năm cuối trước khi nghỉ hưu và được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.

Sau thời điểm cải cách tiền lương (1-7-2024), sẽ không còn mức lương cơ sở nên không thực hiện được việc điều chỉnh theo quy định trên. Đồng thời, đối với thời gian đóng BHXH theo số tiền tuyệt đối (không còn hệ số lương) từ ngày 1-7-2024 trở đi cũng không thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng. Nguyên nhân, Luật BHXH hiện hành mới chỉ có quy định áp dụng điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia từ ngày 1-1-2016 trở về sau.

Chính phủ đang thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước. Ảnh: CTV
Chính phủ đang thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước. Ảnh: CTV

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH nhận định cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật BHXH năm 2014 để thực hiện điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ khi thực hiện cải cách tiền lương.

Cạnh đó, quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật BHXH năm 2014, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương để tính lương hưu là tiền lương bình quân tháng của số năm cuối trước khi nghỉ hưu (5/6/8/10/15/20 năm và toàn bộ quá trình). Như vậy, việc gia tăng tiền lương tháng đóng BHXH đột biến ở những năm cuối (do thực hiện cải cách tiền lương) sẽ làm gia tăng mức lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức nhận được sau khi thực hiện cải cách tiền lương.

Đối với những người tính bình quân của 5 hoặc 6 năm cuối là những người có phần lớn thời gian đóng BHXH ở mức thấp trước thời điểm cải cách tiền lương nhưng được tính hưởng trên một số ít năm đóng theo mức được điều chỉnh tăng đột biến do thực hiện chế độ tiền lương mới. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất, khi quỹ BHXH phải trả mức lương hưu cao hơn cho cán bộ, công chức nghỉ hưu sau khi thực hiện chế độ lương mới.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH dự báo phát sinh một số vấn đề sau: Tạo ra áp lực phải thực hiện việc điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu để đảm bảo tương quan giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách tiền lương; Khi xử lý vấn đề chênh lệch lương hưu nêu trên ở khu vực Nhà nước thì đồng thời phải thực hiện điều chỉnh chung cho cả người nghỉ hưu ở khu vực ngoài Nhà nước.

“Do vậy, chi phí điều chỉnh lương hưu sẽ là rất lớn và ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHXH và cũng ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Song song đó, khó xử lý được triệt để vấn đề chênh lệch lương hưu khu vực Nhà nước do mỗi vị trí chức vụ, ngạch bậc tốc độ tăng lương là khác nhau. Mặt khác, việc điều chỉnh chung áp dụng cho cả người ngoài Nhà nước sẽ tạo ra chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước cao hơn so với người nghỉ hưu sau do nhóm này không bị tác động bởi cải cách lương khu vực Nhà nước….”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Tính lương hưu theo từng giai đoạn

Từ những phân tích nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật BHXH năm 2014, để khắc phục được những hạn chế, bất cập phát sinh do thực hiện cải cách tiền lương.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất sửa quy định trên theo hướng người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân chung hai giai đoạn như sau: Giai đoạn đóng BHXH trước ngày 1- 7-2024, tính bình quân của số năm cuối tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2024; Giai đoạn đóng BHXH từ ngày 1 tháng 7-2024, trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Với phương án trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tính toán tác động cụ thể đối với người lao động nghỉ hưu theo từng năm, trên cơ sở đó đề xuất việc tính bình quân của số năm cuối tính đến ngày 30-6-2024, để báo cáo Chính phủ đề xuất chi tiết tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 63 theo hướng người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1-1-2016, thì tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 1-7-2024 được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại tháng 6-2024.

Tiền lương tháng đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại tháng 6 năm 2024 và tiền lương tháng đã đóng BHXH từ ngày 1-7-2024 trở đi được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng quy định trên cũng cần làm rõ tác động đối với ngân sách Nhà nước; mức độ thay đổi lương hưu theo cách tính hiện hành (trước và sau khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương) với cách tính như đề xuất; sự chênh lệch này theo từng năm từ sau khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến năm 2040.

Về tác động đến ngân sách, Bộ LĐ-TB&XH cho biết theo quy định hiện hành tiền lương tháng đóng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trước thời điểm thực hiện cải cách tiền lương không bao gồm một số khoản phụ cấp (trong đó đặc biệt là phụ cấp công vụ 25%).

Tuy nhiên, bộ cho rằng theo định hướng cải cách tiền lương thì một số khoản phụ cấp sẽ được đưa vào lương cơ bản (trong đó có phụ cấp công vụ 25%), cùng với đó là việc gia tăng mức tiền lương sau khi thực hiện chính sách lương mới. Vì vậy, chắc chắn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang dự kiến sẽ tăng lên rất cao.

“Hiện nay, số người đang đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định khoảng 3,87 triệu người, với mức tăng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc khoảng 54,89% so với mức đóng trước thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, dự tính ngân sách Nhà nước tăng thêm khoảng 33,5 nghìn tỉ đồng/năm…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm