Thủ tướng: Thực hiện tổng thể chính sách cải cách chính sách tiền lương từ 1-7

(PLO)- Thủ tướng yêu cầu phấn đấu hoàn thành ít nhất 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

5 quyết tâm

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất đánh giá năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch năm năm 2021-2025. Tuy nhiên, tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023.

thu-tuong-pham-minh-chinh5-1-8030.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng nhấn mạnh năm 2024 có chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", với tinh thần "Năm quyết tâm". Cụ thể:

(1) Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực.

(2) Quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.

(3) Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật.

(4) Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại.

(5) Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Thủ tướng thống nhất sáu quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành, trong đó ông nhấn mạnh việc bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Đẩy nhanh tiến độ thi công sân bay Long Thành

Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó đề cập đến 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra. Đáng chú ý, Thủ tướng cho biết sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu ngân sách nhà nước 2024 tăng ít nhất 5%.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc tới việc đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược. Cụ thể, phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam…

Thủ tướng: Thực hiện tổng thể chính sách cải cách chính sách tiền lương từ 1-7-2024
Lãnh đạo các địa phương dự Hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác theo Thủ tướng là tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và 4/12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại…

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu phát triển mạnh các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cạnh đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn.

Đặc biệt, thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết 27 của Trung ương từ ngày 1-7-2024; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương với khu vực ngoài nhà nước…

Tập trung sửa các Luật để thúc đẩy tăng cường phân cấp, phân quyền

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hội đồng điều phối vùng, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về sáu vùng kinh tế - xã hội.

Tập trung sửa các Luật để thúc đẩy tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý việc củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, tập trung trấn áp các loại tội phạm, phấn đấu giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tăng cường phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Ông cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về nhiệm vụ của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngay từ đầu năm giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng...

Ông đề nghị các địa phương tập trung giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh. Chú trọng nâng cao tính tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, cần chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm "an ninh, an toàn, an dân"; tổ chức cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; không để ai không có Tết.

"Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển. Do đó, trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là những thời điểm có tác động tới người nghèo, các đối tượng yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh kết quả đạt được năm 2023 vừa qua là cơ bản nhưng không được chủ quan, thoả mãn. Nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.

Đánh giá nguyên nhân chủ quan của tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho rằng công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát, việc tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời. Tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách vẫn là khâu yếu.

Năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; chưa chủ động, tích cực trong giải quyết công việc; một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai.

Việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm