“Hiện nay, trên khu vực biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam có rất ít trạm đo để kiểm chứng vị trí và cường độ thực tế của bão. Việc xác định vị trí và cường độ bão chủ yếu sử dụng ảnh mây vệ tinh, phương pháp này thường cho sai số vị trí tâm bão trung bình khoảng 30-50km, thậm chí có những cơn bão sai số lên đến 100-120km, sai số xác định cường độ bão là cộng trừ 1-2”, Cục Trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Nguyễn Văn Tuệ nêu một thực tế tại hội nghị về công tác phòng chống thiên tai của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 7-5.
Theo ông Tuệ, dự báo bão là bài toán phức tạp, các bản tin dự báo bão luôn gặp phải các sai số về vị trí tâm và cường độ. Ngay cả với các trung tâm dự báo bão trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Châu Âu… cũng gặp phải các sai số này.
Mặt khác, việc dự báo, cảnh báo lũ lụt trên các sông còn gặp nhiều khó khăn do chưa nắm được đầy đủ, kịp thời các thông tin về điều tiết, vận hành hồ chứa, thiếu số liệu quan trắc phần lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ nước ta.
Ngoài ra, tình trạng vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật trạm khí tượng thủy văn vẫn đang tiếp tục diễn ra. Vi phạm phổ biến là ảnh hưởng của độ cao cây cối, công trình dân sinh, neo đậu tàu thuyền, khai thác cát đến công trình khí tượng thủy văn. Việc giải quyết các vi phạm này rất khó khăn, phức tạp.
“Cần nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là nâng cao chất lượng và thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ. Từng bước cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, nhất là các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.” Ông Tuệ nhấn mạnh.