Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ còn ngập nữa?

“Trung tâm Chống ngập đã thực hiện xong việc lắp đặt các đoạn cống hộp 2 x 2 m cống băng ngang kênh A41 để đảm bảo thông thoáng dòng chảy. Trong tháng 9-2016 trung tâm sẽ tiếp tục gia cố đoạn có nguy cơ bị sạt và nạo vét, duy tu tuyến mương này”. Ngày 30-8, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết như trên.

Ngập úng, sân bay phải dừng khai thác

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, cơn mưa nặng hạt vào chiều tối 26-8 đã khiến các chuyến bay đến/đi sân bay Tân Sơn Nhất đều không thể thực hiện. Cụ thể, các chuyến bay đến TP.HCM, máy bay đều phải bay chờ. Trong khi đó, các chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất đều không thể cất cánh. Thời điểm này, nhiều hành khách phải chờ đợi rất lâu vì các chuyến bay bị hoãn.

Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, từ 18 giờ đến 18 giờ 30 ngày 26-8, mưa lớn khiến các bãi đỗ từ 51 đến 56, 10 đến 14, 24 và 25 của sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong tình trạng ngập nước khoảng 30-50 cm. Các phương tiện phục vụ mặt đất trong khu vực này tạm thời ngừng khai thác, một số phương tiện bị chết máy tại khu vực ngập nước chờ nước rút hoặc đẩy về nơi tập kết.

Vì vậy, sân bay tạm thời hạn chế khai thác tại khu vực vào đường lăn M1 (đi vào các bãi đậu từ 51 đến 56, 24 và 25). Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, các hoạt động khai thác mới trở lại bình thường khi mưa ngớt dần, tại các khu vực trên nước rút hết.

Sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập hôm 26-8. Ảnh: Facebook

“Qua theo dõi từ những năm qua, khu vực đỗ tàu bay và một số công trình hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ngập úng khi mưa lớn kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác hàng không và an toàn bay. Trong năm 2015, có những thời điểm sân bay Tân Sơn Nhất phải dừng khai thác do ngập úng” - một lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết.

Sân bay còn phải ngập thêm hai năm?

Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, tuyến kênh thoát nước A41 là một trong ba hướng thoát nước chính của sân bay thoát nước từ sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo thoát nước cho 50% khu vực sân đỗ tàu bay và toàn bộ các nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa. “Lòng kênh này đang bị thu hẹp rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát nước cho khu vực” - đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam nói.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập, cũng nhìn nhận tình trạng ngập ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra trong hai năm nay. Nguyên nhân là do hướng thoát nước ra mương Nhật Bản và kênh A41 bị lấn chiếm ở đoạn thượng nguồn.

Theo ông Công, sân bay Tân Sơn Nhất có ba hướng thoát nước chính gồm: hướng thoát ra kênh Hy Vọng, hướng thoát ra kênh A41 và hướng thoát ra tuyến mương Nhật Bản. Trong đó chỉ có hướng nước thoát ra kênh Hy Vọng thông thoáng, hai hướng còn lại chưa đảm bảo. Trung tâm Chống ngập đang thực hiện dự án cải tạo mương Nhật Bản (từ tường rào sân bay đến đường Nguyễn Kiệm). Dự kiến cuối tháng 9-2016, dự án này hoàn thành sẽ tăng cường khả năng thoát nước cho sân bay.

Riêng dự án cải tạo kênh A41, ông Công cho biết UBND TP đã chấp thuận chủ trương giao cho UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Theo UBND quận Tân Bình, dự kiến đến năm 2019 dự án cải tạo kênh A41 mới hoàn thành. Tuy nhiên, trong những cuộc họp gần đây, trung tâm đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ để dự án được thực hiện xong trong năm 2017. Dự kiến trong tuần sau, UBND TP sẽ họp để quyết định về tiến độ.

“Dự kiến trong năm 2017 chúng tôi khởi công dự án cải tạo kênh Hy Vọng nhưng lâu nay việc thoát nước ở tuyến kênh này vẫn được đảm bảo. Về tình trạng ngập của sân bay Tân Sơn Nhất thì phải chờ dự án cải tạo mương Nhật Bản và kênh A41. Khi nào hai dự án này hoàn thành, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không còn ngập” - ông Công nói.

 

Sân bay nói “ở ngoài”, bên ngoài bảo “bên trong”

Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, kênh A41 có hai đoạn. Trong đó đoạn 1 có hai nhánh đã được đầu tư lắp đặt cống hộp (từ khu vực sân đỗ tàu bay quân sự và từ Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn ra đường Phan Thúc Duyện) đang thoát nước tốt.

Riêng đoạn 2 nằm ngoài sân bay, được Trung tâm Chống ngập nạo vét định kỳ hai lần/năm. Song sau một thời gian ngắn, đoạn mương này lại bị hạn chế dòng chảy do người dân xả rác, đồng thời tình trạng xây dựng lấn chiếm lòng mương chưa được xử lý.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM (đơn vị được giao nạo vét các tuyến kênh bên ngoài sân bay) cho rằng cần khảo sát kỹ hiện trạng thoát nước bên trong sân bay. Vị này nói: “Các tuyến mương, kênh bên ngoài dù đã được khơi thông một phần nhưng sân bay vẫn còn ngập cục bộ. Điều đó cho thấy có thể việc thoát nước ở các cống hộp trong sân bay chưa tốt. Chúng tôi không được vào kiểm tra bên trong sân bay nên đề nghị đơn vị quản lý sân bay chủ trì kết hợp với các đơn vị liên quan cùng khảo sát, đánh giá đầy đủ hiện trạng thoát nước bên trong lẫn bên ngoài sân bay thì mới giải quyết dứt điểm được”.

Ông Nguyễn Ngọc Công cũng cho rằng qua công tác trực mưa hôm 26-8 cho thấy dòng chảy thông thoáng trên tuyến kênh A41. Ông Công cũng đề nghị Cảng vụ hàng không miền Nam, Nhà máy A41, Sư đoàn 370 thường xuyên nạo vét hệ thống thoát nước trong phạm vi quản lý để đảm bảo thông thoáng.

______________________________

50 chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet bị chậm hoặc phải chuyển tới hạ cánh ở các sân bay lân cận trong cơn mưa chiều tối 26-8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm