Sạn chữ nghĩa

Các cuộc thi ca nhạc, các gameshow trên truyền hình như những thỏi nam châm thu hút lớp trẻ. Bởi được“lên tivi” một lần, dù thắng thua, đậu rớt gì thì cũng được thiên hạ thấy mặt mũi, không khoái sao? Thế nhưng những người làm truyền hình - nhất là những người dẫn chương trình hay các biên tập viên, phát thanh viên nhiều khi sử dụng chữ nghĩa “thoải mái” quá, có khi nghe mà giật mình rồi bật cười.

Mới đây, trong phần giới thiệu chương trình hòa tấu nhạc thính phòng Toyota xuyên Việt, biên tập viên VTV gọi những người nghe nhạc thính phòng là “khán giả”. Chẳng lẽ đến chỉ để xem các nhạc công chơi đàn? Trong chương trình về nhạc sĩ Phạm Tuyên phát trên truyền hình, tôi cũng giật mình khi nghe NSƯT Mạnh Hà - được giới thiệu là người trình bày ca khúc Phạm Tuyên thành công nhất trong nửa thế kỷ qua - gọi lớp người nghe ông hát lúc bấy giờ là những “khán giả của Đài Tiếng nói Việt Nam”! Nghe hát trên đài phát thanh là thính giả chứ sao gọi là “khán giả”. Có lẽ nghệ sĩ nghe các bạn dẫn chương trình truyền hình nói mãi rồi quen miệng luôn!

Cũng liên quan tới chuyện chữ nghĩa, khi nhắc đến những kẻ chặt phá rừng thì các báo đài đều viết và đọc đúng là “lâm tặc” nhưng nói đến nạn hút trộm cát trên các sông rạch thì viết và đọc là “cát tặc”; bọn đào vàng trộm gọi là “vàng tặc” - kiểu nửa Nôm nửa Hán, nửa nạc nửa mỡ nghe rất buồn cười. Bởicát, vàng là tiếng thuần Việt, còn tặc là tiếng Hán-Việt. Phải viết là “sa tặc”và “kim tặc” mới chính xác!

Thằng cháu tôi năm nay lên lớp 10, nó biết tôi trước kia làm báo, viết báo nên nó đọc hay nghe thấy cái gì không hiểu hay nghi ngờ là nó chạy qua nhà hỏi tôi. Cái thắc mắc“cát tặc”, “vàng tặc” tôi viết ở trên cũng là do thằng bé thắc mắc truy tôi nhưng tôi không thể trả lời thay cho các đồng nghiệp tôi được. Hôm Chủ nhật vừa rồi, nó đọc câu chuyện pháp đình buồn vui trên báo về một vụ án liên quan tới mấy bị can trẻ, nó hỏi bác ơi sao ông nhà báo viết: “Riêng Ch.đủ tuổi vị thành niên nên bị khởi tố…”. Đã thành niên chứ sao lại “đủ tuổi vị thành niên”? Tôi bảo chắc con đọc nhầm đó. Nó bèn đưa tờ báo cho tôi. Đúng vậy, tôi hơi tự ái nghề nghiệp chữa cháy cho người đồng nghiệp chắc còn trẻ, bút danh không biết nam hay nữ: Chắc là người ta gõ máy nhầm mà người sửa lỗi sơ suất đó con. Nó bảo nhầm thì một chỗ thôi chứ sao hai, ba chỗ? Nó chỉ cho tôi một đoạn khác có câu: “Thằng C. chưa đủ tuổi vị thành niên, còn con đủ tuổi nên bị bắt…”. Tôi hết đường bào chữa cho người đồng nghiệp, nói bâng quơ mà lòng buồn rười rượi: Bây giờ nếu có người đi “nhặt sạn” hay “nhổ cỏ” trong các vườn văn, vườn báo, vườn nhà đài chắc vất vả lắm đây!

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm