Sân khấu học đường cần có định hướng

Các suất diễn đều được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM (Sở VH-TT&DL) và các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí. Kịch Phú Nhuận cũng là một đơn vị sân khấu tư nhân đầu tiên nhận được sự tài trợ kinh phí từ cơ quan quản lý nhà nước trong một dự án sân khấu học đường.

Thiếu kinh phí: Bệnh trầm kha!

Trước dự án sân khấu học đường Kết nối cộng đồng của Kịch Phú Nhuận, Kịch IDECAF cũng từng được Sở VH-TT&DL khuyến khích làm dự án sân khấu học đường nhằm “đưa kịch lịch sử vào trường học”. Năm 2006, vở diễn Phù Đổng thiên vương đã được IDECAF dàn dựng xong, dự án cũng được đưa trình duyệt nhưng rồi thời gian cứ trôi qua trong im lặng. Sở VH-TT&DL TP.HCM chuyển qua Sở GD&ĐT, rồi Sở GD&ĐT im lặng hay chuyển ngược lại… Bao nhiêu tiền của, tâm sức của những người làm dự án đổ vào vở diễn coi như công cốc. Đến chương trình sân khấu học đường Tiếng nói trẻ thơ do Nhà hát Tuổi Trẻ TP Hà Nội, Nhà hát Kịch TP.HCM, Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần TP.HCM thực hiện từ năm 2007 nhờ vào kinh phí tài trợ của Quỹ Hợp tác văn hóa và giáo dục SIDA (Thụy Điển) cũng đã phải ngưng khi tiền hết.

Trước đó nữa, suốt 10 năm ròng, 1999-2010, NSND - đạo diễn Phạm Thị Thành đã xin được tài trợ của Quỹ Ford để làm dự án sân khấu học đường, giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện. Những thể loại sân khấu dân tộc như chèo, tuồng, hát bội, cải lương, bài chòi, dân ca… đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn một số suất trong một số trường tiểu học, trung học khắp cả nước nhờ dự án này. Song, khi dự án kết thúc, tiền tài trợ không còn, chuyện về sân khấu học đường vẫn là chuyện bỏ ngỏ.

Sân khấu học đường cần có định hướng ảnh 1

Cảnh trong tiểu phẩm có nội dung về giáo dục an toàn giao thông trong chương trình sân khấu học đường Kết nối cộng đồng của Kịch Phú Nhuận. Ảnh: H.BÌNH

Cần có chủ trương

Giới trẻ đã và đang bị lôi cuốn bởi các hình thức giải trí hiện đại, ngoại lai mà dần xa cách các giá trị có chiều sâu về văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ, bao gồm các loại hình nghệ thuật - văn hóa truyền thống. Để giải quyết thực trạng này, theo GS Trần Văn Khê, GS Hoàng Chương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thì giáo dục sân khấu học đường chính là một giải pháp căn cơ. Đó cũng là tâm huyết của những người làm sân khấu cả nước như tâm sự của NSND Hồng Vân: “Mong muốn được phối hợp với ngành giáo dục thực hiện sân khấu với học đường đã ấp ủ trong tôi từ rất lâu rồi”.

Tuy nhiên, câu chuyện về “sân khấu học đường” vẫn cứ mãi phập phù tùy thuộc vào nguồn kinh phí. Ông bầu sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn nêu ý kiến: “Ở những nước tiến bộ, chuyện trẻ con được học về sân khấu ngay từ nhỏ là chuyện đương nhiên, bắt buộc phải thực hiện trong nhà trường. Một năm trẻ em phải được tiếp cận bao nhiêu vở sân khấu, nghe bao nhiêu buổi hòa nhạc... Thế nên trẻ em ngay trong nhà trường đã biết phân biệt thế nào là nghệ thuật, thế nào là phản cảm, có sức đề kháng với những thứ văn hóa độc hại, ngoại lai. Bởi vậy, muốn sân khấu học đường ở ta có kết quả thì phải được quy định bằng chủ trương, nghị quyết của Nhà nước”.

Thu hút học sinh từ thần tượng

Chương trình sân khấu học đường Kết nối cộng đồng của Kịch Phú Nhuận gồm bốn nội dung: an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, nông thôn mới, ứng xử cộng đồng bắt đầu được triển khai và diễn ở khắp các trường học trong TP.HCM dài lâu. Linh hồn của chương trình này là NSND Hồng Vân - “bà bầu” của Kịch Phú Nhuận:

. Thưa chị, để trẻ em thích thú xem sân khấu trong xã hội đầy những công nghệ giải trí hấp dẫn hiện nay là không dễ, Kịch Phú Nhuận sẽ dùng cách nào để thu hút các em?

+ NS HỒNG VÂN: Sẽ có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia các buổi diễn này như tôi, anh Minh Nhí, Ốc Thanh Vân, Mai Phương, Lê Quốc Nam… Đầu tiên, có thể các em sẽ bị thu hút bởi người nổi tiếng, bởi thần tượng của mình. Sau đó, chúng tôi sẽ hút các em vào vở diễn bằng nội dung và hình thức biểu diễn sinh động, phù hợp, rồi tổ chức giao lưu, thi đua kiến thức, trả lời câu hỏi… cho các em.

. Nguồn kịch bản phù hợp, đạt chuẩn cho những vở diễn, tiểu phẩm giáo dục cộng đồng này sẽ từ đâu?

+ Sở GD&ĐT, Ban An toàn giao thông và những đơn vị chuyên trách các vấn đề này cung cấp nội dung xã hội cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ căn cứ vào đó viết và dàn dựng tiểu phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức cho các em thi các tình huống trong nội dung biểu diễn và có thể sử dụng những tình huống nào hay, hợp lý.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm