Ngày 11-9, Thành đoàn TP.HCM sẽ tuyên dương và trao giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” lần 6-2016 cho 20 gương mặt tiêu biểu đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố.
Nhật ký kiểm sát điều tra
Làm sao để hạn chế được tình trạng những sơ sót không đáng kể dẫn đến phải gia hạn điều tra vụ án, làm sao giảm được tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung là trăn trở của anh Nguyễn Ngọc Thanh, kiểm sát viên VKSND quận 1.
Anh Thanh đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo sáng kiến “nhật ký kiểm sát điều tra”. Theo đó, trong quá trình điều tra, kiểm sát viên và điều tra viên phải phối hợp để liên tục cập nhật quá trình kiểm sát điều tra. Trong đó có những nội dung như cơ quan điều tra đã làm được những gì, thiếu những chứng cứ, tài liệu gì và cần bổ sung những tài liệu gì…
Qua đó, kiểm sát viên sẽ nắm chặt hồ sơ, kịp thời phát hiện những tình tiết mới để định hướng cơ quan điều tra giải quyết nhằm đảm bảo cho quá trình truy tố và xét xử sau này.
Mới đây, khi lướt qua nhật ký kiểm sát điều tra, anh Thanh phát hiện cán bộ điều tra do mới vào ngành còn thiếu kinh nghiệm nên đã bỏ qua một thủ tục quan trọng. “Người phụ nữ bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy và bị khiếm khuyết một phần cơ thể là cụt hai đốt ngón tay, không thể cầm viết được, là đối tượng được trợ giúp pháp lý nhưng cán bộ điều tra không nắm được quy định này. Ngay sau khi đi xác minh thực tế, tôi đã yêu cầu cán bộ điều tra và điều tra viên làm thủ tục mời ngay luật sư trợ giúp pháp lý tham gia vào giai đoạn lấy lời khai, hỏi cung để đảm bảo quyền lợi cho bị can” - anh Thanh kể lại.
Sáng kiến được áp dụng từ năm 2015, không chỉ giúp ích cho anh Thanh mà còn các đồng nghiệp giải quyết án hiệu quả, tránh sai sót, bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Điều này góp phần tăng cường đảm bảo quyền lợi của bị can trong quá trình điều tra.
Anh Nguyễn Trần Vũ Phương hỏi thăm công việc buôn bán của hộ bà Phan Thị Yến. Ảnh: H.LAN
Dân không đến thì mình đến với dân
Xuất phát là một cán bộ văn hóa thông tin, Nguyễn Trần Vũ Phương khá bỡ ngỡ khi được phân công làm cán bộ kinh tế UBND phường 6, quận 6 từ tháng 10-2015. Nhận thấy mỗi năm số lần đối thoại giữa lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn phường chỉ một lần là quá ít nên anh Phương đã tổ chức thêm các buổi đối thoại để người dân trình bày nguyện vọng của họ.
“Công việc trước đây toàn tiếp xúc với thiếu nhi, chỉ cần kêu là bọn nhỏ có mặt liền nên thích lắm. Đến khi mời 300 hộ doanh nghiệp mà chưa đầy 50 người đi và chỉ có năm ý kiến phát biểu chung chung thì mình thấy rất bất ngờ. Hỏi ra mới biết đa phần người dân khi thấy chính quyền xuống nhà hoặc mời đi họp là nghĩ chắc có chuyện gì đó nên cán bộ mới đến tìm. Người dân không lên thì mình xuống chứ làm sao” - anh Phương chia sẻ khó khăn khi áp dụng sáng kiến tăng cường sự tiếp xúc giữa lãnh đạo chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Vì thế, anh Phương thường đến các tuyến đường có nhiều hộ kinh doanh rồi đi bộ vào nhà các hộ hỏi thăm công việc làm ăn.
Nhờ vậy mà anh Phương đã tư vấn kịp thời cho nhiều chủ kinh doanh xin cấp đổi giấy phép mới, sửa chữa cơ sở cho đảm bảo an toàn, vệ sinh, khắc phục tiếng ồn...
Có lần xuống hỏi thăm quán lẩu, chủ nhà khăng khăng bảo giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm có thời hạn trọn đời nên không chịu đổi. Sau đó, hộ này bị quận xuống kiểm tra, lập đúng biên bản về lỗi này thì họ mới biết là anh nhắc nhở đúng và đã nhờ anh hướng dẫn làm giấy.
Do đã quen với việc cán bộ đến tìm nên ở những buổi đối thoại sau, không khí nặng nề, gượng gạo đã tan biến và người dân bắt đầu hăng hái đóng góp ý kiến. Thông qua các buổi đối thoại, phường còn là cầu nối vay vốn ngân hàng cho hộ kinh doanh đang muốn mở rộng công việc làm ăn, lập danh sách các hộ dân có nhà trống muốn cho thuê để kinh doanh và các đơn vị muốn thuê mặt bằng để kinh doanh. Khoảng cách chính quyền với người dân vì thế cũng rút ngắn đáng kể.
Khi nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại quận 5, người dân để lại số điện thoại di động và yêu cầu báo kết quả qua tin nhắn. Công chức thụ lý nhập thông tin vào phần mềm. Khi có kết quả, UBND phường 5, quận 5 sẽ báo tin nhắn để người dân đến nhận hồ sơ, thay vì phải chờ đến thời gian hẹn như trong biên nhận. Chuyện này được thực hiện từ tháng 6-2016, đó là sáng kiến của chị Nguyễn Thị Trung Tính, công chức văn phòng-thống kê của phường. Sau hai tháng triển khai, sáng kiến đã giải quyết 82 hồ sơ thông qua tin nhắn, giúp người dân theo dõi đường đi của hồ sơ, không cần phải lên mạng tra cứu hay gọi điện thoại hỏi, tránh mất thời gian, công sức phải đi lại. Trong đợt tuyên dương này còn có anh Võ Đức Tân, chuyên viên phòng Hệ thống thông tin Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT TP.HCM). Anh đã nghĩ ra nhiều sáng kiến hiệu quả nhằm giảm bớt thời gian đi lại hội họp, giúp cán bộ, công chức tập trung vào công việc chuyên môn. Ra đời từ tháng 9-2015, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã kết nối tại chỗ 24 quận, huyện, 16 sở, ban ngành và văn phòng UBND thành phố. ____________________________________ Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” được xét trao hằng năm dành cho cán bộ, công chức, viên chức từ 30 tuổi trở xuống. Các cá nhân được chọn trao giải thưởng đều có sáng kiến đã được áp dụng trong công việc và góp phần thực hiện chương trình cải cách hành chính của thành phố hiệu quả. |