Sáng 18-12, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Quyền sử dụng tự do tác phẩm qua hành vi sao chép, trích dẫn trong pháp luật về quyền tác giả từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”.
Khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng khoa Luật Dân sự, Trường Đai học Luật TP.HCM cho rằng trải qua hơn 15 năm thực thi, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã bộc lộ một số bất cập, nhất là khi Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả. Hội thảo này sẽ sẽ bàn về những bất cập và tìm giải pháp tháo gỡ.
Các thành viên tham gia hội thảo trực tuyến. Ảnh chụp màn hình
Tại hội thảo, PGS. TS Vũ Thị Hồng Yến, Trưởng khoa Luật, Đại hoc Sài Gòn nêu thực trạng môi trường cơ sở đào tạo giáo dục là nơi truyền tải những tri thức cho nên không thể không truyền tải sử dụng tác phẩm của người khác. Từ đó sẽ xảy ra những xung đột khi lấy ý tưởng của người khác làm của mình. Trong đó có trường hợp tinh vi không thể phát hiện bằng những công cụ kỹ thuật như rà soát tỉ lệ trùng lặp giữa các tác phẩm...
Việc sử dụng hợp lý tác phẩm hay sử dụng tự do tác phẩm trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học là một nội dung cần phải được quy định rõ trong pháp luật về SHTT và cần phải được chuyển tải chính xác, cụ thể thành các quy chế quản lý về tài sản trí tuệ tại các trường.
Ranh giới giữa hành vi được phép sao chép, trích dẫn tác phẩm với hành vi xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy cần phải được làm rõ để cho người học, người nghiên cứu, người giảng dạy thực hiện đúng.
Cũng tại hội thảo, ThS Nguyễn Thị Thu Sương, phó trưởng phòng pháp lý công ty luật cho rằng môi trường giáo dục đại học luôn sản sinh ra nhiều sản phẩm trí tuệ giá trị và cũng là nơi tạo điều kiện cho những chủ thể cần tiếp cận đến nguồn sản phẩm trí tuệ. Do vậy, nếu không thực hiện tốt, đây có thể sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho những hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung, xâm phạm quyền sao chép, trích dẫn nói riêng.
Trong khi pháp luật hiện hành vẫn còn những “khoảng trống”, việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện là cần thiết nhưng không thể diễn ra trong một thời gian ngắn, việc các trường chủ động xây dựng những bộ quy chế riêng là rất cần thiết, đồng thời cụ thể hóa các quy định của pháp luật hiện hành.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo giáo dục đều có các quy tắc, quy định khá rõ ràng về vi phạm quy định về sao chép, trích dẫn như Đại hoc Luật TP.HCM, Đại học KH&XH Nhân Văn, Đại học Sài Gòn… Tuy nhiên, thời gian tới cần xây dựng một phần mềm chung để tất cả cơ sở giáo dục đều có thể sử dụng, kết hợp với việc tăng cường công tác số hóa nguồn tài liệu hiện nay.