Khoảng hai năm trở lại đây, từ các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát mua bản quyền định dạng nước ngoài: The Voice, Vietnam Idol, The Voice Kids, The Winner is, The X-Factor… đến các sân chơi ca hát trong nước: Sao Mai, Sao mai điểm hẹn… cũng dần khó khăn tìm kiếm các tài năng ca hát.
Những bản cover mới
Chỉ duy nhất sân chơi vẫn tìm được hàng chục ngàn thí sinh đăng ký tham dự, đó là Solo cùng bolero. Sở dĩ chương trình này có nhiều thí sinh đăng ký nhất bởi đơn giản thể loại âm nhạc này có quá nhiều khán giả, có quá nhiều người muốn hát bolero. Thế nhưng đến mùa ba, chương trình đã khó trong công cuộc đãi cát tìm vàng. Chính vì thế trong năm 2016, khán giả chứng kiến Tình Bolero, một phiên bản khác của Solo cùng Bolero khi đưa thêm yếu tố nghệ sĩ tham gia. Ngoài Tình Bolero của Khang Media, nhà sản xuất Jet Studio cũng đã “lời nguyên năm” khi chương trình Hãy nghe tôi hát phát đi phát lại trên truyền hình. Sở dĩ chương trình này thu hút bởi đây là chương trình không phải tìm giọng ca mới mà những ca sĩ đã thành danh hát lại bằng cách làm mới lại bản phối, dàn dựng mới các ca khúc đã cũ của các danh ca như Thái Châu, Elvis Phương, Giao Linh, Phương Dung… Và chính các danh ca này sẽ đánh giá về độ hay, mới… của các tiết mục. Năm nay, Jet Studio cũng sẽ tiếp tục với Hãy nghe tôi hát hứa hẹn nhiều ca sĩ có nhiều chiêu trò sân khấu hơn nữa.
Mới nhất, nhà sản xuất MayQ của biên tập viên Quỳnh Hương cũng đã phát sóng The Mash up - Hoán chuyển bất ngờ với việc kết hợp các giọng ca cũ và mới cùng hát những bản nhạc đã thành danh của họ như ca sĩ Ngọc Sơn, Hồng Hạnh, Siu Black, Nhật Hạ… với các ca sĩ thế hệ trẻ như Phan Mạnh Quỳnh, Hoàng Yến Chibi, Kyo York, Lân Nhã…
Hay tháng 4 sắp tới, trên sóng HTV7, chương trình Phiên bản hoàn hảo (Cover Star) sẽ ra mắt. Để từ đây những ca khúc là hit, là kinh điển của âm nhạc sẽ được thu âm mới, hát lại một ca khúc cũ (cover) ở nhiều phiên bản khác nhau.
Cũng tương tự như vậy, với thành công của các chương trình: Sol vàng, Tình khúc vượt thời gian, Sài Gòn đêm thứ bảy… “Tháng 9 sắp tới, trên sóng truyền hình, chúng tôi sẽ sản xuất một chương trình ca nhạc mới dựa trên những bản nhạc gắn bó với người Việt. Âm nhạc sẽ được kể lại theo từng câu chuyện riêng biệt” - ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Jet Studio, chia sẻ.
Giọng ải giọng ai là một minh chứng thành công khi ca nhạc trở thành game show, hiện đây là chương trình ca nhạc trên truyền hình có lượng người xem lớn nhất qua YouTube. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
Những phân khúc lạ
Nhắm đến yếu tố tò mò, Mặt nạ ngôi sao (20 giờ 30 tối thứ Tư hằng tuần, HTV7) cũng là một game show ca hát hứa hẹn thu hút khán giả bởi các người chơi là diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ… đều đeo mặt nạ lên hát và chỉ khi bị loại họ mới phải gỡ bỏ tấm mặt nạ. Trong tập đầu tiên phát sóng, không chỉ các nghệ sĩ ngồi ghế bình luận như Trường Giang, Thu Trang, Tóc Tiên, Trịnh Thăng Bình… mà khán giả xem qua truyền hình cũng vô cùng tò mò muốn biết dưới tấm mặt nạ là ai.
Nếu những chương trình trên mang tính đại chúng thì năm nay truyền hình cũng sẽ chứng kiến nhiều chương trình ca nhạc hướng đến đối tượng riêng. Điển hình như Thần tượng tương lai của nhà sản xuất Điền Quân là nơi vinh danh dòng âm nhạc truyền thống, dân ca ba miền: Từ ca trù, quan họ… miền Bắc; ca Huế, dân ca… miền Trung đến cải lương, đờn ca tài tử… miền Nam. Ở sân chơi này, các thí sinh (8-14 tuổi) sẽ được các huấn luyện viên: NSND Thu Hiền, ca sĩ Quang Linh và ca sĩ Cẩm Ly hướng dẫn từng điệu ca, làn hơi cho mình.
Hay mang tính nhân văn hơn, nhà sản xuất Điền Quân cũng mang đến chương trình Hát mãi ước mơ (HTV7), một game show ca nhạc dựa trên nền tảng karaoke. Ở đó những người bản thân kém may mắn, kém tự tin có thể hát lên ca khúc mình yêu thích, thậm chí người chơi là người hát lên khúc nhạc để giúp người thân, bạn bè của họ vượt qua nghịch cảnh.
Và mới nhất trong tối qua (7-1), tập đầu tiên của Chuyến xe âm nhạc đã khởi hành vào 21 giờ trên kênh HTV9. Đây là chương trình do chính Đài Truyền hình TP.HCM kết hợp cùng đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân sản xuất. Chuyến xe âm nhạc hiện là sân chơi duy nhất dành cho các đội, nhóm văn nghệ tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM. “Hiện tại các phong trào sinh viên có nhưng các đội, nhóm phải thi các cuộc thi lẻ tẻ, đây là sân chơi quy mô dành riêng cho các bạn với chủ đề đa dạng hơn” - đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân chia sẻ.
Suy cho cùng, nếu thị trường ca hát luôn cần những giọng ca đặc biệt để thành danh sự nghiệp riêng thì ca hát trên truyền hình còn cần những giọng ca đặc biệt và cả những giọng ca phải biết chiêu trò, làm mới mình từ dàn dựng, bản thu… trong từng game show. Vì thế, bất kể nghệ sĩ cũ hay mới, khi tham gia ca nhạc trên truyền hình đều đòi hỏi mình phải biết nhiều trò hơn từ ăn nói đến nhảy múa, diễn xuất… Có vậy mới trụ được với thị trường truyền hình vốn đang nắm cán cân giải trí chính của thị trường như hiện nay.
Hàng loạt chương trình gia đình hát ca Năm 2017 cũng có rất nhiều chương trình ca nhạc có định dạng là gia đình. Nổi bật nhất là Hát cùng mẹ yêu (20 giờ 30 thứ Ba hằng tuần, HTV7) và Gia đình song ca (HTV). Nếu Hát cùng mẹ yêu là chương trình dành cho các cặp mẹ con ca sĩ, nghệ sĩ thi hát thì Gia đình song ca là chương trình kết hợp hai thành viên cùng huyết thống trong những màn song ca, có thể đó là ông, bà với cháu; cha, mẹ với con; anh, chị với em hay chú, bác, cô, dì với cháu… Gia đình song ca sẽ tuyển sinh khu vực miền Tây vào hôm nay (8-1) tại TP Cần Thơ. |