Sau khoảng thời gian hơn 42 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, hoạt động giãn cách xã hội được nới lỏng, việc thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch trên cả nước được chú trọng nhiều hơn.
Vấn đề này được các thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) bàn thảo rất kỹ tại cuộc họp BCĐ quốc gia về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona diễn ra ngày 28-5.
Tiếp tục quản lý chặt chẽ các phi công, tổ bay
Phát biểu tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, chia sẻ Việt Nam (VN) đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên diễn biến dịch trên thế giới vẫn hết sức phức tạp.
Trong khi đó, chúng ta đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào làm việc; đưa người VN ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước là rất lớn.
“Với những người làm công tác phòng, chống dịch, chúng tôi lại cảm thấy lo ngại hơn. Vì chỉ cần để lọt một ca bệnh xâm nhập vào trong nước mà không kịp thời phát hiện sẽ dẫn tới tình trạng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng đề nghị tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh; tổ chức cách ly tất cả người nhập cảnh vào VN theo quy định. Cụ thể, các ý kiến đề nghị giao Bộ Quốc phòng tổ chức tiếp nhận quản lý cách ly đối với các lưu học sinh vào VN học tập.
Nhấn mạnh về việc kiểm soát các thành viên tổ bay, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch (bao chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong) để tổ chức thực hiện cách ly thành viên tổ bay quốc tế, chuyên gia, lưu học sinh vào VN theo đúng quy định, vì nguy cơ xâm nhập ở nhóm này rất cao.
Qua đó, BCĐ thống nhất yêu cầu các địa phương tiếp tục quản lý chặt chẽ các phi công, thành viên tổ bay quốc tế.
Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ các khách sạn cũng như những người làm việc tại khách sạn được sử dụng để tổ chức cách ly phi hành đoàn quốc tế theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh.
BCĐ cũng giao Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh đến kiểm tra ngay các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế. Nếu các khách sạn này có vi phạm phải xử lý nghiêm.
Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19 rất tốt, đó là một trong những ấn tượng đẹp thu hút khách du lịch sau dịch. Ảnh: PV
Công suất khách sạn đạt 100%
Về vấn đề phát triển du lịch hậu dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết vừa qua chúng ta đã tiến hành khởi động lại du lịch nội địa.
Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn… đã cung cấp nhiều chương trình khuyến mãi, sản phẩm hấp dẫn đối với du khách trong nước. Qua đó, du lịch nội địa đã có tăng trưởng tương đối tốt, thậm chí có những khách sạn đã đạt công suất tới 100%. Đây là những tín hiệu rất lạc quan đối với du lịch nội địa.
Đối với ý kiến về tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19, các thành viên BCĐ thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào VN, chưa bàn về thời gian mở cửa du lịch trở lại.
Các thành viên BCĐ cũng thống nhất cho rằng chỉ khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế khi đáp ứng đủ điều kiện và trước tiên chỉ xem xét đón khách đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh, và bước đầu chỉ nên tổ chức thí điểm đón khách du lịch đến một số đảo, song song với đó phải có các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ cho người dân địa phương và du khách trong nước.
Về đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang cho phép đón du khách nước ngoài đến du lịch ở đảo Phú Quốc, BCĐ giao Bộ VH-TT&DL bàn bạc, trao đổi cụ thể, thống nhất với tỉnh Kiên Giang về thời điểm, lộ trình mở cửa và các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ, báo cáo lại BCĐ xem xét.
Không kỳ thị người cách ly vì dịch COVID-19 Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn về phòng, chống và đánh giá nguy cơ dịch COVID-19 tại nơi làm việc. Theo hướng dẫn, các cơ quan cần tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp. Rửa tay thường xuyên. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Người đi làm cần chủ động thường xuyên vệ sinh mặt bàn làm việc, các dụng cụ lao động và vị trí thường xuyên tiếp xúc của cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn. Không tụ tập đông người khi nghỉ giữa ca, nghỉ trưa… theo quy định tại nơi làm việc. Đồng thời, không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hoặc đã được điều trị khỏi COVID-19... 42 ngày không ca lây nhiễm trong cộng đồng Ngày 28-5, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV, đánh dấu 42 ngày VN không lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm là 327, trong đó 278 người khỏi bệnh. Có 49 bệnh nhân đang được điều trị tại chín cơ sở y tế, tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định. Hiện có sáu ca xét nghiệm âm tính lần một, 17 ca âm tính lần hai. |