Ngày 10-9, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Hội điện ảnh Việt Nam đã tổ chức hội thảo điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất 50 năm - một chặng đường. Hội thảo quy tụ hàng chục nhà nghiên cứu, quản lý cũng như chuyên gia đầu ngành về điện ảnh, cùng lãnh đạo Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch),… Hoạt động này nằm trong chuỗi chương trình giải thưởng Cánh diều vàng 2024.
Điện ảnh gắn liền với lịch sử đất nước
Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên hiệu trưởng trường Đại học sân khấu - điện ảnh TP.HCM, cho biết phim truyện điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất đến nay đã 50 năm, một chặng đường nửa thế kỷ với những thành tựu, những giá trị căn cốt. Đồng thời, cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cần có các giải pháp để có sự phát triển đột phá trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa.
Theo ông Thanh, phim truyện điện ảnh Việt Nam có thể chia làm bốn giai đoạn và đều có có ưu, khuyết điểm riêng của mỗi giai đoạn.
Để phim truyện điện ảnh Việt Nam phát triển, bứt phá trong thời gian tới, ông Thanh đã đưa ra 11 gợi mở, như thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong phim truyện là yêu cầu, tiêu chí khai thác thế mạnh của dân tộc.
Ông Thanh cũng cho rằng cần quan tâm đúng mức tới các chức năng của phim truyện, trong đó có giải trí; làm phong phú các phong cách tác giả; tạo môi trường mà ở đó người nghệ sĩ được sáng tạo tối đa.
Đồng thời, tham khảo phương pháp làm phim tiên tiến, hiện đại, nhất là phim truyện Mỹ; thay đổi tư duy sáng tác… Đồng thời, tái đầu tư cho phim truyện, phù hợp với cơ chế thị trường, công nghiệp điện ảnh và tìm kiếm các dự án được đầu tư.
“Bên cạnh việc tìm kiếm các dự án được đầu tư đối với các nhà làm phim, lợi nhuận đặc biệt lớn từ các phim thương mại có thể được trích lại để tái đầu tư cho các dự án phim truyện vốn không hướng tới mục đích bán vé trước tiên... Đồng thời, hiện thực hóa việc ra đời và tác dụng tích cực đối với phim truyện của quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”- ông Vũ Ngọc Thanh gợi mở.
Ngành điện ảnh cần gì để bứt phá?
Còn TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục điện ảnh, đưa một số giải pháp chủ yếu phát triển điện ảnh Việt Nam. Theo bà, ngoài các cơ chế về chính sách thì việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khá quan trọng.
Bà Hà cho rằng cần nghiên cứu công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư chương trình đào tạo chuyên sâu, đặc thù cho ngành điện ảnh thông qua chính sách học bổng đào tạo đội ngũ các nhà làm phim chuyên nghiệp, như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, hóa trang, phục trang, kỹ xảo, công nghệ, lý luận phê bình, sản xuất phim, phát hành phim…. nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển của công nghiệp điện ảnh trong thời kỳ mới.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo cấp bách đội ngũ các nhà quản lý điện ảnh, có đủ trình độ và năng lực phát triển điện ảnh Việt Nam mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn; vừa là ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế.
Song song đó là tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ, phim đầu tay, công chúng yêu điện ảnh tổ chức các hoạt động chuyên đề thường xuyên, chia sẻ các thông tin, cập nhật các xu hướng điện ảnh mới, giao lưu trình chiếu các bộ phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, tài liệu, khoa học, môi trường...
Trong khi đó, nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn cũng cho rằng rào cản lớn nhất mà điện ảnh Việt Nam cần phải vượt qua, đó chính là vấn đề đào tạo con người và sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng.
Theo ông, hiện ở Việt Nam chỉ có hai trường Đại học sân khấu - điện ảnh ở Hà Nội và TP.HCM, đại học văn hóa nghệ thuật quân đội, cùng một số khoa đào tạo nghệ thuật ở các trường đại học khác. “Giảng viên giảng dạy cũng chủ yếu là mang tính lý thuyết, ít người có những hoạt động điện ảnh trong thực tiễn. Giảng viên nước ngoài thì lại càng hiếm hoi”- ông Văn nói.
Ông Văn cũng thẳng thắn việc cần kíp phải có một chiến lược đào tạo bài bản, thiết thực, toàn diện để giúp cho nền điện ảnh Việt Nam có một nguồn nhân lực phong phú, dồi dào.
Từ nguồn nhân lực ấy, mới có thể phát hiện, tìm kiếm và hiển lộ những đạo diễn, quay phim, biên kịch, diễn viên, họa sĩ thiết kế… tài năng, từ đó mới góp phần đưa điện ảnh Việt vươn ra thế giới, hội nhập quốc tế.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo cấp bách đội ngũ các nhà quản lý điện ảnh, có đủ trình độ và năng lực phát triển điện ảnh Việt Nam mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn; vừa là ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế.
“Rào cản lớn nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay cần phải vượt qua, đó chính là vấn đề đào tạo con người và sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng”- ông Văn bày tỏ.