Trong phiên phúc thẩm này, dù tòa đã triệu tập nhưng ông H. không đến tham dự. Tại tòa, bà D. trình bày là vào năm 2003, bà kết hôn với ông H. rồi có một con chung. Ông H. thường hay cờ bạc, nợ nần, giang hồ đến tận nhà đòi nợ, đe dọa bà nên bà phải trả thay. Nhiều lần ông H. còn đánh đập bà nhưng vì xấu hổ nên bà không dám tố cáo ra công an.
Năm 2011, bà D. gửi đơn ra TAND quận 12 xin ly hôn nhưng bị tòa này bác đơn vì cho rằng tình trạng mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chưa đến mức trầm trọng. Sau đó ông H. bỏ ra ngoài sinh sống, lâu lâu mới về nhà thăm con một lần. Mỗi lần gặp mặt, hai vợ chồng vẫn thường gây gổ với nhau.
Năm 2014, bà D. tiếp tục nộp đơn xin ly hôn lần thứ hai ra TAND quận Tân Phú (nơi ông H. đang sinh sống). Cuối năm 2014, TAND quận Tân Phú xử sơ thẩm đã bác đơn của bà. Bà kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm cho mình được ly hôn, được quyền nuôi con mà không cần cấp dưỡng.
“Lần xin ly hôn đầu tiên, sau khi TAND quận 12 bác đơn, tôi suy nghĩ kỹ rồi quyết định không kháng cáo vì hy vọng là vợ chồng sẽ hàn gắn được tình cảm. Nhưng rồi ông ấy đâu có thay đổi gì. Chúng tôi đã ly thân bốn năm nay rồi, mặc ai nấy sống, tình cảm không còn gì nữa, không hiểu sao TAND quận Tân Phú vẫn bác đơn của tôi” - bà D. nói.
Theo đại diện VKS, trong lần xin ly hôn thứ hai này, dù cấp sơ thẩm cũng như cấp phúc thẩm đã triệu tập nhiều lần nhưng ông H. không đến, chứng tỏ ông không có thiện chí hàn gắn tình cảm vợ chồng. Việc tòa sơ thẩm bác đơn là không phù hợp nên đại diện VKS đề nghị tòa chấp nhận đơn kháng cáo, cho bà D. được ly hôn.
Theo tòa phúc thẩm, mục đích hôn nhân giữa hai vợ chồng bà D. không đạt được nên tòa chấp nhận cho bà D. được ly hôn, giao con chung cho bà D. nuôi dưỡng và ghi nhận sự tự nguyện của bà là không yêu cầu ông H. cấp dưỡng nuôi con.
NGÂN NGA