Bạn Trương Nguyễn Ngọc Yến (lớp trưởng lớp 9/1) ghi sổ đầu bài - Ảnh: Vân Trường |
Làm lớp trưởng vừa được cống hiến vừa là một hình thức tự rèn luyện bản thân, không ít học sinh làm lớp trưởng sau này ra đời cũng thành công trong công việc và tất cả đều thừa nhận làm lớp trưởng là cơ hội để rèn luyện cho bản thân |
Ðúng là lâu nay trường phổ thông chỉ quan tâm đến các quyền lợi của lớp trưởng như khen thưởng, thi đua, xếp loại hạnh kiểm, nhưng quan tâm bằng việc “trả lương” thì chắc còn ít trường thực hiện.
Lớp trưởng nói riêng và ban cán sự lớp rồi ban chấp hành chi đoàn, chi đội trong thực tế đã giúp giáo viên chủ nhiệm (GVCN), nhà trường trong một số hoạt động: như nắm sĩ số hằng ngày, tổng kết sổ đầu bài, triển khai hoạt động ngoài giờ lên lớp, theo dõi quản lý lớp khi GVCN không có mặt ở lớp, phản ánh với GVCN, với trường những hoạt động của lớp, các kiến nghị, đề xuất.
Thực tế nhiều lớp trưởng là “cánh tay phải” của GVCN, các em quản lý lớp khéo, chu đáo không khác gì GVCN, số đông lớp trưởng được lựa chọn đều học khá, tốt trở lên, có năng lực và đều tự nguyện.
Tuy vậy khi thực hiện “trả lương” cho lớp trưởng tôi cũng có một số băn khoăn.
Một là, gần đây nhiều bài viết bàn đến chuyện cho trẻ tiền ở gia đình, nhiều ý kiến cho rằng ở gia đình khi giao việc cho con trẻ thì trả công. Bây giờ đến trường làm lớp trưởng thì được “trả lương”, rất sòng phẳng!
Tốt thôi, nhưng còn vấn đề tự nguyện, cống hiến, trách nhiệm xây dựng tập thể... nếu được trả công hết thì liệu có làm mai một đi ý nghĩa cao đẹp, giáo dục ý thức thiện nguyện cho trẻ không?
Có để trong các em suy nghĩ làm gì cũng có... “trả lương” không? Sống không chỉ cho bản thân mà nghĩ đến cộng đồng, chia sẻ những khó khăn với đồng loại.
Ðộng lực để bản thân vươn lên ngoài yếu tố kích thích vật chất thì việc rèn luyện thông qua việc làm để cống hiến cho tập thể với giới trẻ cần được coi là động lực chủ yếu.
Hai là, ngoài lớp trưởng còn bí thư chi đoàn lớp, chi đội trưởng, các em này cũng nhiều việc, vậy có “trả lương” cho các em không? Rồi lớp phó, tổ trưởng học tập, thành viên các đội xung kích, cờ đỏ, sao đỏ nữa, giải quyết sao đây? Chưa kể đến các học sinh trong ban chấp hành Ðoàn, ban chỉ huy liên chi đội nữa. Các bạn này công việc có khi còn nặng và nhiều hơn lớp trưởng.
Ba là, cần có sự phối hợp giữa GVCN và lớp trưởng, việc gì GVCN làm, việc gì lớp trưởng giúp GVCN, vả lại chỉ nên lúc GVCN vắng mặt, chứ “trả lương” thế này rồi GVCN giao các em khá nhiều việc sẽ ảnh hưởng đến việc học của lớp trưởng, chưa nói đến sẽ có GVCN vì thế mà không nắm kỹ tình hình của lớp mình phụ trách.
Bốn là, lớp trưởng thì có em làm tốt có em làm chưa tốt. Vậy những em làm chưa tốt giải quyết thế nào đây khi “trả lương” cho lớp trưởng thành một quy định chung trong trường? Vẫn “trả lương” thì các bạn trong lớp “lùm xùm”, mà cắt “lương” thì không khéo lớp trưởng lại tổn thương và dễ bị “ném đá” trên Facebook hay đâu đó.
Năm là, trước đây làm lớp trưởng là tự nguyện, là được đóng góp cho tập thể, giờ được “trả lương” thì có em cũng muốn làm vì những lý do trên và cả vì được “trả lương”. Giải quyết việc này không khéo là tập thể lớp có “vấn đề”, có khi lại sinh ra mất đoàn kết.
Sáu là, sơ kết hằng tháng, học kỳ, cả năm học, rồi tổ chức tham quan thực tế hằng năm đều có ưu tiên cho lớp trưởng, lớp phó, ban chấp hành chi đoàn, ban chỉ huy chi đội và sự ưu tiên này luôn có sự đồng thuận cao vì đóng góp của các em cho tập thể lớp, chi đoàn, chi đội. Ðưa hình thức này thành quy định chung hay “trả lương” thì cái nào tốt hơn, nhân văn, sâu sắc hơn?