Thầy trò Park Hang-seo tham dự giải U-23 châu Á sắp sửa diễn ra tại Thái Lan với tư cách á quân. Hai năm trước, đội tuyển U-23 Việt Nam lặng lẽ sang Thường Châu (Trung Quốc) không có chút hy vọng nào nhưng bất ngờ vào đến trận chung kết.
Mùa này, sức mạnh của U-23 Việt Nam có vẻ suy giảm hơn do nhiều cầu thủ cũ quá tuổi, dù mới vô địch lứa trẻ Đông Nam Á vẫn không thể sánh như các đối thủ lớn ở châu lục có nội lực dồi dào với khao khát giành vé chơi Olympic Tokyo 2020.
Đội hình xuất phát của U-23 Việt Nam trong trận giao hữu với U-23 Bahrain có thể xem là mạnh nhất thời điểm này. Ảnh: AN
Suốt một năm trời no nê với chuỗi 15 trận bất bại, trong đó có 13 trận thắng dưới thời HLV Park Hang-seo, tính cả năm trận giao hữu, đội tuyển U-23 Việt Nam mới biết thua. Tuy nhiên, trận đá tập kín với U-23 Bahrain trên sân MOF Custom FC tại Bangkok, Thái Lan đã giúp thầy trò ông Park rút ra nhiều bài học quý giá trước khi vào cuộc chơi lớn châu Á.
Trận đấu này là một cuộc tổng duyệt về lực lượng và lối chơi của cả hai đội bóng nên không ai muốn thua cả. Theo thỏa thuận, trận đấu diễn ra trong hai hiệp, mỗi hiệp 45 phút. Mỗi đội thay người bốn lần trong trận đấu với số lượng không hạn chế. Chính vì thế, HLV Park Hang-seo đã tạo điều kiện cho tất cả cầu thủ ra sân thể hiện khả năng của mình.
Theo đánh giá của VFF, đội tuyển U-23 Việt Nam chơi ép sân U-23 Bahrain trong phần lớn thời gian của trận đấu. Có nhiều thời điểm bóng hầu như chỉ lăn bên phần sân đối phương. U-23 Bahrain không có nhiều cơ hội nhưng tận dụng tốt để ghi hai bàn trong hiệp 1. Cuối trận, U-23 Việt Nam rút ngắn cách biệt 1-2 từ chấm 11 m do trung vệ Tấn Sinh thực hiện.
Quang Hải vừa trở lại sau chấn thương vẫn là đầu tàu của đội tuyển trẻ Việt Nam...
... cùng với thứ vũ khí đánh đầu lợi hại từ các trung vệ từng ghi nhiều bàn thắng ở SEA Games 30. Ảnh: AN
Điều hài lòng nhất của ban huấn luyện U-23 Việt Nam là không có cầu thủ nào chấn thương sau trận đấu. Trung vệ Đình Trọng vừa tái xuất đã chơi từ đầu trận. Và quan trọng hơn, HLV Park Hang-seo có thêm nhiều góc nhìn để làm cơ sở đưa ra quyết định về lực lượng 23 cầu thủ chính thức sẽ tham gia đấu trường châu lục.
Sau trận đấu, ông thầy người Hàn Quốc đã chia sẻ rất nhiều với các học trò về những bài học rút ra, đặc biệt ở hệ thống phòng ngự vốn yếu hơn so với chính mình.
Vấn đề lớn của thầy trò ông Park trong thua ở một trận giao hữu đã giúp họ thức tỉnh hơn về sức mạnh của mình. Mặc dù kết quả của trận đá tập không có nhiều ý nghĩa vẫn khiến cho tuyển U-23 Việt Nam thu hoạch nhiều kinh nghiệm bổ ích và thận trọng hơn trong các trận đấu thật. Ví như khả năng tận dụng cơ hội dù hiếm hoi như Bahrain, hoặc cách tổ chức lại hàng thủ vốn là “đặc sản” của ông Park dạy học trò từng làm nản lòng nhiều đối thủ lớn.
Nguyễn Tiến Linh là trụ cột trên hàng công của U-23 Việt Nam...
... bên cạnh nòng cốt Đình Trọng ở hàng thủ tái xuất sau chấn thương. Ảnh: AN
Theo kế hoạch, thầy trò Park Hang-seo sẽ tiếp tục tập luyện tại Bangkok, đến ngày 6-1 mới di chuyển đến tỉnh Buriram - nơi diễn ra hai trận đầu tiên tại vòng bảng.
Đội tuyển U-23 Việt Nam lần lượt gặp U-23 UAE (ngày 10-1), U-23 Jordan (ngày 13-1), sau đó trở lại Bangkok đối đầu U-23 CHDCND Triều Tiên (ngày 16-1).
Mục tiêu của thầy trò ông Park là vào tốp 3 đội mạnh nhất để chiếm một vé chơi Olympic Tokyo diễn ra vào tháng 8-2020 tại Nhật Bản. Đặt trường hợp U-23 Nhật vào bán kết, suất chơi của châu Á tăng lên bốn đội.
Theo bản danh sách sơ bộ của AFC, đội tuyển U-23 Việt Nam đã rút gọn 23 cầu thủ, trong đó không có tên trung vệ Trần Đình Trọng và tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng. Tuy nhiên, quy định của vòng chung kết U-23 châu Á là đến 6 tiếng trước khi bóng lăn trận ra quân, các đội bóng có quyền chốt danh sách cuối cùng.