Ông George Daniels, thẩm phán tòa án quận Manhattan, New York, cho rằng các cáo buộc của bên nguyên đơn “đều có cơ sở hợp lý” để có thể xét xử Saudi Arabia. Quyết định xét xử dựa trên đạo luật Công lý chống tài trợ cho hành vi khủng bố (JASTA). Đây là đạo luật được liên bang Mỹ ban hành năm 2016.
Từ trước đến nay chính phủ Saudi Arabia vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc nước này có liên quan đến vụ tấn công 11-9. Các tên không tặc đã cướp 4 máy bay dân dụng Mỹ và lần lượt đâm vào Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và một cánh đồng tại bang Pennsylvania. Vụ tấn công kinh hoàng này đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Cột ánh sáng ở Manhattan trong sự kiện tưởng niệm 16 năm vụ khủng bố 11-9. Ảnh: REUTERS
Hiện các luật sư phía Saudi Arabia vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì về phán quyết này. Tại một sự kiện chứng khoán ở New York, khi được hỏi liệu phán quyết này liệu có ảnh hưởng tiêu cực đến việc đầu tư của Saudi Arabia ở Mỹ hay không, ông Mohammed ElKuwaiz, Chủ tịch Cơ quan Thị trường Vốn hóa, đã từ chối bình luận, nói rằng ông chưa nghe về tin tức này.
Phán quyết của thẩm phán Daniels dựa trên cáo buộc từ nhiều gia đình các nạn nhân thiệt mạng, gần 25.000 người bị thương và nhiều doanh nghiệp cũng như các công ty bảo hiểm Mỹ. Tuy nhiên thẩm phán đã bác bỏ cáo buộc cho rằng có 2 ngân hàng Saudi Arabia và 1 công ty xây dựng thuộc quyền kiểm soát của gia đình Osama bin Laden tài trợ cho các vụ tấn công.
Saudi Arabia vẫn luôn được miễn trừ khỏi các vụ kiện tụng liên quan đến vụ tấn công 11-9 tại Mỹ. Tuy nhiên vào tháng 9-2016, mọi chuyện đã thay đổi khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu bác bỏ phủ quyết của cựu tổng thống Barack Obama về đạo luật JASTA. Điều này khiến JASTA sẽ chính thức trở thành luật.
Thẩm phán Daniels cho biết các nguyên đơn có thể chứng minh Saudi Arabia chịu trách nhiệm cho các hoạt động của giáo sĩ Fahad al Thumairy và Omar al Bayoumi, người được cho là một nhân viên tình báo. Hai đối tượng này bị cáo buộc đã giúp đỡ hai tên không tặc ổn định cuộc sống tại Mỹ và chuẩn bị cho vụ tấn công.
Trước đó, Saudi Arabia từng tranh cãi rằng các nguyên đơn không có bằng chứng cho thấy có bất kỳ viên chức, nhân viên hay đặc vụ nào của nước này đã lên kế hoạch hay thực hiện vụ tấn công.