Sẽ không bổ sung án tích, sổ hồng của người dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

(PLO)- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung các thông tin như án tích, giấy chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản... vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-10, sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận các dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của QH Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

Tán thành tên gọi Luật Căn cước

Về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, ông Tới cho biết, đa số ý kiến ĐBQH, Đoàn ĐBQH và thành viên Ủy ban thường Quốc hội (UBTVQH) tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình. UBTVQH nhất trí với đa số ý kiến tán thành nêu trên.

Sẽ không bổ sung án tích, sổ hồng người dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Tấn Tới. Ảnh: QH

UBTVQH cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

“Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân”- ông Tới nói và cho biết thêm, việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.

Từ đó, UBTVQH đề nghị QH cho giữ tên Luật Căn cước và tên thẻ căn cước như Chính phủ trình.

Không bổ sung thông tin án tích vào CSDLQG về dân cư

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung một số trường thông tin về án tích, sổ BHXH, sổ BHYT, giấy phép lái xe, giấy chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản (ví dụ sổ hồng - PV), các giấy tờ hộ tịch được cấp; vân tay.

UBTVQH cho rằng, thông tin của công dân trong CSDLQG về dân cư được xây dựng bao gồm 26 trường thông tin, vừa kế thừa quy định của Luật CCCD hiện hành, vừa được bổ sung một số trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, cần có trong CSDLQG về dân cư. Qua đó, để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu của công dân, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Mặt khác, để triển khai Đề án 06, trước mắt, Chính phủ đề nghị bổ sung việc tích hợp một số thông tin về các loại giấy tờ có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên. Việc tích hợp một số loại giấy tờ khác sẽ giao Thủ tướng Chính phủ quyết định để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung các trường thông tin nói trên vào dự thảo Luật.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung thông tin số thuê bao di động vào thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước. Vì khi đăng ký tài khoản định danh mức 2 cần phải cung cấp thông tin liên quan đến số điện thoại di động để xác thực danh tính.

Chỉ thu thập ADN, giọng nói công dân trong một số trường hợp

Liên quan đến quy định về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 17 dự thảo), theo báo cáo giải trình của UBTVQH, có ý kiến đề nghị phải cân nhắc việc cung cấp, chia sẻ thông tin về sinh trắc học để bảo đảm quyền riêng tư của công dân.

Cũng có ý kiến đề nghị rà soát đảm bảo tính thống nhất về trình tự, thủ tục hình sự, hành chính, dân sự...; ý kiến khác đề nghị việc thu thập, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước phải được cụ thể hóa tối đa trong dự án Luật.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung theo hướng thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói chỉ được thu thập theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, không tổ chức thu thập theo Luật này.

Trường hợp có thu nhận thông tin ADN và giọng nói trong quá trình giải quyết vụ án hình sự hoặc vụ việc hành chính thì mới chuyển thông tin cho cơ quan quản lý căn cước để lưu trữ thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm